TIN TỨC
Danh mục
Bài viết mới nhất

Giải đáp các câu hỏi về thuế sàn TMĐT dành cho người bán từ A - Z

13/05/2024

Mấy hôm nay, nhà bán hàng xôn xao về thuế trên sàn TMĐT quá nên hãy cùng Nhanh.vn tổng hợp một số câu hỏi thường gặp xoay quanh vấn đề này nhé!

Giải đáp các câu hỏi về thuế sàn TMĐT dành cho người bán từ A - Z

QUY ƯỚC

- NBH: Người Bán Hàng (còn gọi là Shop/ Người Bán)
- CQT: Cơ quan Thuế

A. CÂU HỎI TỔNG QUAN VỀ THUẾ

1. Vì sao đến nay Cơ quan Thuế mới tiến hành thu thuế đối với giao dịch bán hàng trên sàn TMĐT? Hiện tại, tôi đã ngưng bán hàng tại sao vẫn nhận được liên lạc từ Cơ quan Thuế?

Việc truy thu thuế được thực hiện trực tiếp bởi Cơ quan Thuế (CQT) và việc truy thu này được thực hiện theo quy định về pháp luật về thuế.

Về mặt nguyên tắc, các Shop - Nhà Bán Hàng (NBH) đều có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế đối với thu nhập kinh doanh chịu thuế kể từ khi phát sinh hoạt động kinh doanh không phân biệt NBH có đăng ký thuế hay không, và không phân biệt hình thức pháp nhân của NBH. NBH có thể tham khảo các quy định thuế tương ứng tại:

  • Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 (đối với NBH là cá nhân kinh doanh, Hộ kinh doanh); và 
  • Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp 2008 (đối với NBH là Doanh nghiệp).

Do vậy, NBH có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế cho nhà nước phù hợp với các khoản thu nhập chịu thuế từ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, không phân biệt là Doanh thu/ thu nhập đó đã phát sinh từ lâu và kể cả trong trường hợp NBH không còn kinh doanh nữa thì nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước vẫn còn tồn tại.

2. Vì sao các sàn TMĐT không có hướng dẫn cho NBH về các giấy tờ và thủ tục cho việc truy thu thuế?

Việc truy thu thuế là thuộc về trách nhiệm và chức năng của Cơ quan Thuế (CQT). CQT sẽ có nghiệp vụ và căn cứ vào quy định về thuế để hướng dẫn NBH trong việc xác định, kê khai thu nhập và hoặc ban hành các quyết định về việc truy thu thuế trực tiếp với các Nhà Bán Hàng (NBH). Sàn TMĐT không có chức năng hay có chuyên môn, nghiệp vụ về thuế để có thể hướng dẫn NBH chuẩn bị giấy tờ hay thông tin theo yêu cầu của CQT. Các sàn TMĐT chỉ sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp với Nhà bán hàng và CQT trong trường hợp có yêu cầu để đảm bảo việc kê khai và nộp thuế của Nhà bán hàng được thuận tiện. NBH có thể tham khảo chứng từ chứng minh thu nhập trên sàn Shopee tại Câu 4 dưới đây để hỗ trợ cho việc cung cấp thông tin với CQT.

Để tìm hiểu về quy định thuế, NBH có thể liên hệ Phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ Người nộp thuế tại Chi cục Thuế gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ kiến thức và quy trình nộp thuế (tư vấn miễn phí).

CQT sẽ là đơn vị phổ biến trực tiếp với NBH về các vấn đề liên quan, như chứng từ, tài liệu bán hàng cần thiết, thuế suất, cách tính và nộp thuế v.v.

B. VỀ VIỆC SÀN TMĐT CUNG CẤP THÔNG TIN CHO CƠ QUAN THUẾ

3. Sàn TMĐT có kê khai số tiền Doanh Thu của NBH cho Cơ quan Thuế không?

Theo các quy định hiện hành về thuế, các Sàn TMĐT, có trách nhiệm cung cấp thông tin của NBH trên Sàn TMĐT cho CQT để hỗ trợ CQT trong công tác quản lý thuế. Các sàn đã và đang phối hợp với các cơ quan thuế địa phương để thực hiện trách nhiệm này theo đúng quy định hiện hành.

4. Sàn TMĐT có thể cung cấp giấy tờ gì để hỗ trợ NBH chứng minh doanh thu với CQT?

Ở sàn Shopee, để hỗ trợ Shop chủ động đối soát, kiểm tra dữ liệu thu nhập, đồng thời làm cơ sở chứng từ tham khảo cho mục đích kê khai thuế, Shopee cung cấp 02 loại báo cáo mà NBH có thể chủ động truy cập và tải dữ liệu, bao gồm:

  • Báo cáo Thu nhập tại đây. Báo cáo có thể xuất theo từng tháng trong 24 tháng gần nhất.
  • Báo cáo Doanh thu tại đây (mục Chi tiết > Đã thanh toán > chọn Ngày > chọn Xuất). Báo cáo không giới hạn thời gian lưu trữ dữ liệu, phù hợp nếu Cơ Quan Thuế yêu cầu dữ liệu cách đây hơn 24 tháng (ví dụ: từ 2020 trở về trước).

Shopee khuyến khích Shop tạo thói quen kết xuất và tự lưu trữ Báo cáo Thu nhập hằng tháng để sử dụng khi cần. Lưu ý rằng các báo cáo này chỉ xác nhận doanh thu của Shop phát sinh trên Sàn Shopee, không bao gồm các khoản thu nhập khác phát sinh do thỏa thuận hoặc giao dịch ngoài Sàn Shopee.

C. VỀ DỰ ĐỊNH CÁC SÀN TMĐT THU VÀ KHAI THUẾ THAY NHÀ BÁN HÀNG

5. NBH sẽ tự đóng thuế hay sàn TMĐT sẽ đóng thuế thay cho NBH?

Theo Nghị định 91/2022/NĐ-CP, Sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp thông tin về NBH cho cơ quan thuế để hỗ trợ công tác thu thuế và quản lý thuế.

Do vậy, hiện sàn TMĐT chưa có dự định kê khai thay và nộp thuế thay cho NBH trên Sàn của mình. NBH sẽ trực tiếp thực hiện các nghĩa vụ về thuế theo sự hướng dẫn của CQT tại địa phương. Các sàn TMĐT sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp với NBH và CQT trong trường hợp có yêu cầu để đảm bảo việc kê khai và nộp thuế của NBH được thuận tiện.

6. Sản phẩm bán ra tại sàn Shopee đã chịu phí cố định (đã bao gồm thuế GTGT), vậy tại sao NBH vẫn phải chịu thêm 1.5% tiền thuế với CQT?

Shopee xin được làm rõ như sau: Phí cố định hay bất kỳ khoản phí dịch vụ khác (bao gồm Thuế GTGT) mà Shopee thu trên đơn hàng là khoản phí dịch vụ tính phí bởi Shopee cho phần dịch vụ/ công việc Shopee cung cấp để hỗ trợ đơn hàng thành công trên sàn TMĐT Shopee. Trong đó, thuế giá trị gia tăng bao gồm trong các khoản phí này là khoản thuế GTGT được tính và áp dụng theo quy định pháp luật đối với người tiêu dùng dịch vụ Shopee. Phần thuế này không liên quan thuế TNCN và GTGT của NBH phải nộp cho CQT.

Còn mức thuế 1.5% là thuế Thu nhập cá nhân và thuế Giá trị gia tăng được thu trên doanh thu bán hàng của NBH cá nhân đối với các đơn hàng thành công trên Sàn TMĐT, là một khoản thu của CQT và hoàn toàn tách biệt với các khoản phí mà Shopee thu từ NBH. Để nắm thêm về mức thuế suất và cách tính thuế phù hợp đối với doanh thu bán hàng của NBH với CQT, Shopee khuyến khích NBH liên hệ trực tiếp CQT để được giải đáp thắc mắc.

Tóm lại, đây là 2 khoản thu với bản chất hoàn toàn khác nhau, 1 khoản là theo chính sách của Sàn Shopee, 1 khoản là theo quy định của Luật thuế TNCN và GTGT.

7. Nhà Bán Hàng vừa kinh doanh cửa hàng bên ngoài (offline) vừa bán hàng trực tuyến trên các sàn (online) và đã đóng thuế cho kinh doanh offline rồi thì có phải đóng thêm thuế cho kinh doanh online không?

Sàn TMĐT khuyến khích nhà bán hàng có thể trao đổi trực tiếp cơ quan thuế để được giải đáp thắc mắc đối với vấn đề này. Sàn TMĐT chỉ là đơn vị quản lý và vận hành Sàn TMĐT, không có chức năng tư vấn về thuế nên chúng tôi rất tiếc không thể giúp NBH giải đáp thắc mắc này. NBH nên liên hệ đến Phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ Người nộp thuế tại Chi cục Thuế gần nhất để được tư vấn và hướng dẫn chính xác nhất (tư vấn miễn phí).

8. Phí bán hàng ở sàn TMĐT đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) hay chưa? Nếu đã bao gồm thuế VAT, khoản thuế này là khoản các sàn đã thu từ NBH và Shopee sẽ báo với cơ quan thuế đúng không?

Các khoản phí sàn TMĐT thu từ NBH trên các giao dịch là đã bao gồm thuế GTGT, sàn TMĐT chịu trách nhiệm kê khai và nộp thuế theo quy định.

9. Thuế NBH sẽ được trừ thẳng vào đơn hàng hay được tính bằng cách nào?

Nghĩa vụ thuế của NBH đối với doanh thu bán hàng hóa - dịch vụ trên sàn TMĐT sẽ do NBH kê khai và nộp thuế trực tiếp với CQT.

Để biết thêm về chính sách thuế, cơ chế kê khai và nộp thuế, thuế suất đối với ngành hàng,... Sàn TMĐT khuyến khích NBH liên hệ CQT quản lý để được hướng dẫn chi tiết.

D. CÁC CÂU HỎI KHÁC

10. NBH cần điều chỉnh giá bán sản phẩm như thế nào để phù hợp với % thuế cần đóng?

Sàn TMĐT khuyến khích NBH chủ động liên hệ cơ quan thuế để được giải đáp thắc mắc. Sàn TMĐT chỉ là đơn vị vận hành và quản lý sàn TMĐT, không có chức năng hay chuyên môn để tư vấn giải đáp các vấn đề về thuế. NBH chủ động kiểm soát và tự chịu trách nhiệm trong việc tính toán giá bán cũng như đảm bảo nghĩa vụ khai và nộp thuế với cơ quan thuế.

11. Tôi không phải là NBH nhưng CQT bắt nộp thuế từ Shopee do được kê khai trong phụ lục 05_2_BK_QTT của Tờ khai Quyết Toán thuế thu nhập cá nhân năm 20XX của công ty Shopee

Bạn có thể đã nhận được thu nhập từ các chương trình tiếp thị liên kết hoặc thu nhập từ KOL. Đây là khoản thu nhập, hoa hồng Shopee trực tiếp chi trả cho bạn, và vì vậy, theo quy định thuế Thu nhập cá nhân, Shopee có nghĩa vụ tạm khấu trừ tại nguồn trước khi chi trả thu nhập, đồng thời, thay mặt bạn kê khai và nộp thuế. Vì vậy, bạn vui lòng liên hệ Nhân viên hỗ trợ Shopee và cung cấp các thông tin sau để Shopee có thể kiểm tra chi tiết giúp bạn:

  • Họ và Tên
  • CMND/CCCD
  • Mã số thuế
  • Thời điểm cần kiểm tra thông tin

⚠️ Lưu ý: Để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và có trách nhiệm, Người bán vui lòng tuân thủ các điều sau:
- Kê khai và nộp thuế đầy đủ.
- Làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký hộ kinh doanh; xin các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện cho từng ngành nghề tương ứng.    
- Tuân thủ đầy đủ các quy định khác của pháp luật.

E. VỀ QUY ĐỊNH CHUNG CỦA NHÀ NƯỚC VỀ THUẾ

Người bán hàng (NBH) có thể hoạt động hợp pháp trên sàn TMĐT ở các loại hình kinh doanh như: “Công ty”, “Hộ Kinh Doanh”, “Cá nhân kinh doanh”.

Tương ứng với các loại hình kinh doanh này, NBH sẽ chịu trách nhiệm và hưởng quyền lợi tương ứng theo thông tin kê khai như sau

Tiêu chí

Công  ty

Hộ kinh doanh

Cá nhân kinh doanh

a. Đăng ký kinh doanh
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
Không
b. Đăng ký thuế
Mã số thuế công ty
Mã số thuế cá nhân kinh doanh
Mã số thuế cá nhân kinh doanh
c. Đối tượng chịu & nộp thuế
Công ty
Cá nhân chủ hộ/đại diện hộ kinh doanh
Cá nhân
d. Thuế áp dụng và thuế suất 
d.1. Lệ phí Môn bài
1.000.000 – 2.000.000 – 3.000.000 đồng/năm
 
Tùy theo mức vốn đăng ký kinh doanh
300.000 – 500.000 - 1.000.000/năm
 
Theo mức doanh thu tính thuế TNCN của năm trước liền kề
d.2. Thuế áp dụng (*)
GTGT: 5% - 10% (tùy vào mặt hàng kinh doanh);
 
TNDN = 20% (doanh thu – chi phí hợp lệ)
 Tùy vào hoạt động kinh doanh:
- Phân phối, bán hàng hóa: GTGT 1%; TNCN 0.5%;
- Sản xuất, gia công, chế biến sản phẩm hàng hóa: GTGT 3%, TNCN 1.5%
e. Nộp thuế
Khi phát sinh thuế GTGT và TNDN phải nộp
(Không có ngưỡng tối thiểu)
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN.
f. Hình thức và định kỳ kê khai
Kê khai định kỳ tháng/ quý
Tùy vào phương thức kê khai được áp dụng:
- Phương pháp kê khai: tháng/quý
- Phương pháp khoán: năm;
- Phương pháp kê khai theo lần phát sinh: theo lần phát sinh
g. Xuất hóa đơn
Bắt buộc
Phương pháp kê khai: bắt buộc;
- Phương pháp khác: khi người mua yêu cầu
h. Phạt hành chính (NĐ125/2020/NĐ-CP)
- Chậm đăng ký thuế: từ 1 triệu – 10 triệu đồng (tùy theo độ trễ của thủ tục đăng ký);
- Khai sai KHÔNG dẫn đến thiếu thuế: 500.000 đồng đến 8 triệu đồng
- Chậm khai thuế: 2 triệu – 25 triệu (tùy theo độ trễ của tờ khai);
- Khai sai dẫn đến thiếu thuế: 20% số tiền thuế thiếu
- Trốn thuế: 1 đến 3 lần số thuế trốn
- Chậm đăng ký thuế: từ 500,000 đồng – 5 triệu đồng (tùy theo độ trễ của thủ tục đăng ký);
- Khai sai KHÔNG dẫn đến thiếu thuế: 250.000 đồng đến 4 triệu đồng
- Chậm khai thuế: 1 triệu – 12.5 triệu đồng (tùy theo độ trễ của tờ khai);
- Khai sai dẫn đến thiếu thuế: 20% số tiền thuế thiếu
- Trốn thuế: 1 đến 3 lần số thuế trốn

(*) Các từ viết tắt về các loại thuế:

Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN)

Thuế giá trị gia tăng (GTGT)

Thuế đối với hộ kinh doanh/ cá nhân kinh doanh/ cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ

1. Đăng ký kinh doanh

a) Hồ sơ nộp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận/huyện tại địa điểm kinh doanh (Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp Quận/Huyện)

  • Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (theo Mẫu tại Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT);
  • Bản sao CCCD/CMND/Hộ chiếu vẫn còn hiệu lực của cá nhân làm đăng ký thành lập hộ kinh doanh;
  • Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình trong việc thành lập hộ kinh doanh (đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh);
  • Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh)

b) Lệ phí hành chính xin cấp giấy phép đăng ký kinh doanh: 100.000 đồng

c) Thời gian xử lý và phản hồi: 3 ngày làm việc

⚠️ Lưu ý:
- Các đối tượng được quyền thành lập hộ kinh doanh cá thể là cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
- Người đại diện các thành viên hộ gia đình đứng tên trên giấy phép kinh doanh là chủ hộ kinh doanh. Chủ hộ kinh doanh là người nộp thuế của Hộ kinh doanh.    

2. Đăng ký thuế

- Cá nhân kinh doanh, Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh: Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký thuế của hộ kinh doanh.

- Cá nhân kinh doanh không có đăng ký kinh doanh: thực hiện đăng ký thuế cùng với thời hạn nộp hồ sơ khai thuế lần đầu.

3. Kê khai thuế

Thực hiện tại Chi cục thuế địa phương hoặc online.

3 phương pháp kê khai thuế đối với Hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh:

  • Phương pháp kê khai 
  • Phương pháp khoán
  • Phương pháp theo từng lần phát sinh

Trong đó, đối với Hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh thường xuyên, PP khoán và PP kê khai là 2 phương pháp kê khai phổ biến theo thứ tự ưu tiên áp dụng.

 

PP kê khai

PP khoán

PP theo từng lần phát sinh

Đối tượng áp dụng
- HKD, cá nhân KD quy mô lớn;
- HKD, cá nhân KD chọn nộp thuế theo PP kê khai
Các trường hợp còn lại
Cá nhân KD không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định, gồm:
Cá nhân kinh doanh lưu động
Kỳ kê khai
Theo tháng/ quý
Theo năm
Theo lần phát sinh
(Khi phát sinh doanh thu chịu thuế)
Thời hạn nộp thuế
Hàng tháng/ quý
Hàng tháng/quý
(theo thông báo nộp thuế)
Theo lần phát sinh
Chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ
Phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ
Không phải thực hiện chế độ kế toán.
 
Hộ khoán sử dụng hóa đơn lẻ phải lưu trữ và xuất trình cho Cơ Quan Thuế các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp khi đề nghị cấp, bán lẻ hóa đơn theo từng lần phát sinh
Không bắt buộc thực hiện chế độ kế toán.
 
Nhưng phải thực hiện lưu trữ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và xuất trình kèm theo hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh.
Hóa đơn khi bán hàng
Phải sử dụng Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền
Nếu có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì Cơ Quan Thuế cấp lẻ hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.
 
Hộ khoán khai thuế, nộp thuế riêng đối với doanh thu phát sinh trên hóa đơn đó theo từng lần phát sinh.
Nếu có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì Cơ Quan Thuế cấp lẻ hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.

⚠️ Lưu ý: Trên đây là các phương pháp khai thuế áp dụng đối với Hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, các Cơ quan thuế địa phương có thể có hướng dẫn và áp dụng đặc thù. Vì vậy, Người bán hàng cần trao đổi với Cơ quan thuế địa phương để được hướng dẫn về phương pháp kê khai phù hợp.

4. Nộp thuế và phí

a) Lệ phí môn bài: Căn cứ theo mức doanh thu hàng năm

Doanh Thu Hàng Năm

Lệ Phí Môn Bài

Từ 100 triệu đồng trở xuống
Miễn lệ phí Môn Bài
Từ trên 100 - 300 triệu đồng
300.000 đồng
Từ trên 300 - 500 triệu đồng
500.000 đồng
Trên 500 triệu đồng
1.000.000 đồng

b) Thuế GTGT và thuế TNCN

Tùy theo loại hoạt động kinh doanh, thuế suất GTGT và thuế suất TNCN sẽ được áp dụng tương ứng như sau:

Loại hoạt động kinh doanh

GTGT

TNCN

Phân phối, bán hàng hoá
1%
0.5%
Sản xuất, gia công, chế biến sản phẩm hàng hoá
3%
1.5%
Các hoạt động khác
Tham khảo phụ lục Thông tư 40/2021/TT-BTC

⚠️ Lưu ý:
- Người Bán Hàng cần trao đổi với Cơ Quan Thuế địa phương để được hướng dẫn về cách xác định ngành nghề hoạt động để áp dụng mức thuế suất phù hợp.
- Người Bán Hàng hoạt động đồng thời trên nhiều ngành nghề cần phân tách được doanh thu kinh doanh theo từng ngành nghề để áp dụng mức thuế suất tương ứng từng ngành nghề.
- Người Bán Hàng cần theo dõi các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế (nếu có) được áp dụng trong từng giai đoạn cụ thể để đảm bảo quyền lợi nộp thuế của mình.

5. Các chế tài phạt hành chính và lãi chậm nộp về thuế và hóa đơn

a) Xét đối tượng vi phạm:

  • Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, trừ mức phạt tiền đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế và trốn thuế (**).
  • Đối với người nộp thuế là hộ gia đình, hộ kinh doanh áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân.

b) Phạt hành chính áp dụng đối với cá nhân, hộ kinh doanh:

  • Chậm đăng ký thuế: từ 0.5 triệu – 5 triệu đồng tùy theo độ trễ của thủ tục đăng ký;
  • Khai sai KHÔNG dẫn đến thiếu thuế: 250.000 đến 4 triệu đồng
  • Chậm khai thuế: 1 triệu – 12.5 triệu tùy theo độ trễ của tờ khai;
  • Khai sai dẫn đến thiếu thuế: 20% số tiền thuế thiếu
  • Trốn thuế (***): 1 đến 3 lần số thuế trốn

Hành vi vi phạm

Mức phạt hành chính

Chậm Đăng ký Thuế
Từ 0.5 triệu – 5 triệu đồng tùy theo độ trễ của thủ tục đăng ký
Khai sai nhưng KHÔNG dẫn đến thiếu thuế
250.000 đến 4 triệu đồng
Chậm Khai Thuế
1 triệu – 12.5 triệu tùy theo độ trễ của tờ khai
Khai sai dẫn đến thiếu Thuế
20% số tiền thuế thiếu
Trốn Thuế (***)
1 đến 3 lần tổng số tiền thuế thiếu

(**) Mức phạt hành chính quy định tại NĐ125/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức (công ty), gấp 2 lần đối với cá nhân, hộ kinh doanh.

(***) Hành vi trốn thuế là 1 trong các hành vi sau:

  • Không nộp hồ sơ đăng ký thuế, khai thuế hoặc nộp sau 90 ngày so với hạn nộp
  • Không lập hóa đơn khi bán hàng, dịch vụ theo quy định
  • Sử dụng hóa đơn không hợp pháp để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp

Đồng thời với việc áp đặt các khoản phạt nêu trên, Cơ Quan Thuế vẫn sẽ yêu cầu NBH phải thực hiện các Biện pháp khắc phục như sau:

  • Buộc nộp đủ số thuế
  • Buộc nộp bổ sung thủ tục đăng ký thuế, kê khai thuế và cung cấp thông tin liên quan;
  • Buộc lập hóa đơn theo quy định

c) Lãi chậm nộp thuế: 0.03%/ ngày đối với tiền thuế thiếu

6. Việc xóa tài khoản gian hàng có tránh được nghĩa vụ thuế hay không?

Việc bán hàng trực tuyến đều phải tuân thủ các quy định về thuế. Việc Nhà bán hàng xóa/bị khóa tài khoản hoạt động trên sàn TMĐT không giúp Nhà Bán Hàng tránh được nghĩa vụ thuế trong quá khứ. Trong nhiều trường hợp, Cơ Quan Thuế có thể theo đuổi việc truy thu thuế từ nhiều nguồn dữ liệu, bao gồm nhưng không hạn chế từ các sàn TMĐT, đơn vị vận chuyển, ngân hàng thương mại/ trung gian thanh toán,… đồng thời áp đặt các khoản phạt và biện pháp cưỡng chế khác.

7. Người Bán Hàng có nhiều tài khoản gian hàng trên sàn TMĐT có cần khai thuế đối với doanh thu bán hàng của tất cả tài khoản đã và đang có hay không?

Theo quy định thuế, Người Nộp Thuế nói chung có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.

Người Bán Hàng cần cân nhắc cẩn trọng khi thực hiện kê khai ước tính doanh thu khoán (theo PP khoán) hoặc doanh thu thực tế phát sinh (theo PP kê khai).

Trong nhiều trường hợp, Cơ Quan Thuế có thể theo đuổi việc truy thu thuế từ nhiều nguồn dữ liệu, bao gồm nhưng không hạn chế từ các sàn TMĐT, đơn vị vận chuyển, ngân hàng thương mại/ trung gian thanh toán,… để đối chiếu kiểm tra dữ liệu tự kê khai của Người Bán Hàng. Trong trường hợp phát sinh chênh lệch, Cơ Quan Thuế có thể áp đặt các khoản phạt và biện pháp cưỡng chế khác theo quy định pháp luật.

8. Người Bán Hàng có thể sử dụng thông tin thuế của người thân để kê khai thuế không?

Việc sử dụng thông tin cá nhân của người khác/ người thân để kê khai, nộp thuế có thể gây ra nhiều vấn đề pháp lý và tài chính. Và việc này thường được xem là vi phạm pháp luật.

Về nguyên tắc, mỗi cá nhân là người thụ hưởng của khoản doanh thu kinh doanh cần tự chịu trách nhiệm về thuế và hóa đơn đối với hoạt động của mình.

Một số lý do Người Bán Hàng không nên sử dụng thông tin người thân để kê khai thuế như sau:

  • Pháp lý: Việc sử dụng thông tin cá nhân của người khác có thể bị xem là vi phạm về quyền riêng tư và có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nếu bị phát hiện;
  • Nghĩa vụ thuế cá nhân: Mỗi người có nghĩa vụ thuế cá nhân của mình, việc sử dụng thông tin người khác để kê khai thuế có thể gây nhầm lẫn trong việc xác định nghĩa vụ thuế thực sự của của từng người;
  • Cơ Quan Thuế có thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ và các nguồn thông tin khác nhau để đối chiếu, kiểm tra và truy vấn đối tượng chịu thuế thực sự đối với nghĩa vụ thuế. Nếu bị phát hiện, Người Bán Hàng (đối tượng chịu thuế thực sự đối với nghĩa vụ thuế) có thể bị áp đặt các chế tài phạt nặng như trốn thuế.

9. Người Bán Hàng có thể sử dụng tài khoản Ngân hàng (“TKNH”) của người khác hay không?

Thông tin TKNH cũng là một trong các nội dung được yêu cầu bởi Cơ Quan Thuế cho mục đích tra soát, kiểm tra người nộp thuế.

Shopee khuyến nghị Người Bán hàng cập nhật thông tin thuế và thông tin tài khoản ngân hàng của chính chủ sở hữu gian hàng phù hợp với loại hình hoạt động (Công ty, Hộ Kinh doanh, cá nhân) để tránh rủi ro truy vấn, giải trình từ Cơ Quan Thuế.

10. Người Bán Hàng cần làm gì nếu mua lại tài khoản gian hàng đã có lịch sử hoạt động trong quá khứ từ chủ sở hữu cũ?

Người Bán Hàng cần lưu ý các khuyến nghị sau đây:

a) Ký hợp đồng mua bán chính thức về việc chuyển nhượng tài khoản, trong đó:

  • Đảm bảo đầy đủ thông tin định danh & thông tin thuế của chủ sở hữu cũ của gian hàng;
  • Mô tả rõ ràng về thời điểm chuyển giao;
  • Mô tả trách nhiệm thuế trong hợp đồng, bao gồm cả nghĩa vụ thuế trước đó và sau khi giao dịch hoàn thành, yêu cầu chủ sở hữu cũ của gian hàng cung cấp chấp thuận về việc họ đã thanh toán đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch trước khi chuyển giao tài khoản gian hàng…

b) Kiểm tra lịch sử thuế (không bắt buộc): yêu cầu kiểm tra lịch sử thuế của tài khoản gian hàng mà bạn đang mua lại, bao gồm cả bảng kê và tờ khai thuế trước đây;

c) Cập nhật thông tin Nhà Bán Hàng trên hệ thống thông tin của sàn TMĐT tương ứng sau khi giao dịch chuyển giao tài khoản gian hàng thành công.

Trong trường hợp Cơ Quan Thuế truy vấn về các giao dịch trước khi nhận chuyển giao tài khoản gian hàng, Người Bán Hàng cần cung cấp hợp đồng mua bán chuyển nhượng tài khoản gian hàng để giải trình phù hợp.

11. Một Hộ kinh doanh có được phép có nhiều cửa hàng tại nhiều quận/ tỉnh thành trên cả nước hay không?

Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh.

Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.

Trường hợp có hoạt động kinh doanh tại địa điểm kinh doanh khác ngoài trụ sở, hộ kinh doanh thông báo địa điểm kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện tiếp nhận thông báo địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh và trả Thông báo về mã số thuế và Cơ Quan Thuế quản lý trực tiếp địa điểm kinh doanh cho hộ kinh doanh.

12. Tôi thay đổi địa chỉ kinh doanh sang quận/tỉnh khác nơi đã đăng ký thì tôi cần làm thủ tục gì với thuế và với sàn TMĐT?

Trong trường hợp thay đổi địa chỉ kinh doanh sang quận/ huyện/ thị xã, thành phố/ tỉnh khác, Người Bán hàng cần:

a) NBH đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở hộ kinh doanh sang quận, huyện, thị xã, thành phố, tỉnh khác nơi hộ kinh doanh đã đăng ký đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện tại nơi đăng ký ban đầu.

Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi bản sao hồ sơ đến Cơ Quan Thuế quản lý nơi hộ kinh doanh đang đặt trụ sở để Cơ Quan Thuế có ý kiến bằng văn bản về việc hoàn thành các nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh theo quy định.

Cơ Quan Thuế sẽ phản hồi bằng văn bản đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện như sau:

- Trường hợp hộ kinh doanh đã hoàn thành các nghĩa vụ thuế theo quy định, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trên Hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh và gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho Cơ Quan Thuế nơi hộ kinh doanh mới chuyển đến để Cơ Quan Thuế cập nhật thông tin vào hệ thống.

- Trường hợp hộ kinh doanh chưa hoàn thành các nghĩa vụ thuế theo quy định, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trong đó đề nghị hộ kinh doanh thực hiện các nghĩa vụ thuế trước khi thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi trụ sở.

b) Cập nhật thông tin mới trên hệ thống quản lý của sàn TMĐT.

Một số câu hỏi khác nhà bán hàng cần quan tâm

13. Người bán có phải mở sao kê TKNH ra cho cơ quan Thuế kiểm tra không? 

Về nguyên tắc là cán bộ cơ quan thuế sẽ hỏi bạn và khuyến khích bạn kê khai tất cả các nguồn doanh thu khi kinh doanh bao gồm cả trên sàn và các kênh khác. Trong 1 buổi sáng mình gặp một tình huống như này, mình có 2 ông bạn cùng lên Thuế nộp tiền VAT + TNCN khi kinh doanh trên Shopee và mỗi người kiểu:

  • Tình huống đầu: 1 bạn được hỏi và vận động kê khai doanh thu KDOL ở tất cả các kênh và bạn đã tự kê khai toàn bộ và nộp thuế đầy đủ. Như vậy là bạn không còn băn khoăn lo lắng gì nữa yên tâm kinh doanh vì đã hoàn thành xong nghĩa vụ thuế của mình.
  • 1 bạn còn lại cũng được hỏi và bảo em đóng TKNH đó lâu rồi nên cũng không nhớ đâu và cũng chỉ KD Shopee là chính thôi. Bạn xin phép được xử lý phần Thuế mà cán bộ đã có dữ liệu sẵn từ sàn năm 2018 - 2020 . Còn năm 2021 2022 bạn xin phép sẽ tự kê khai nộp sau. Còn dữ liệu các kênh khác thì nếu khi nào có giấy truy thu gửi về tiếp thì xác định nộp tiếp và chấp nhận bị phạt tiếp. 

sao kê tknh

Phần mềm quản lý bán hàng hiệu quả 

trên sàn thương mại điện tử

dùng thử miễn phí

14. Giờ nên ngồi chờ người ta gửi giấy về/ tự đi kê khai thuế

Khá chắc chắn là sàn Shopee đã gửi dữ liệu cho TCT rồi vì đã có rất nhiều người được gọi, còn bao giờ tới lượt mình thì cứ bình tĩnh ngồi chờ nếu muốn. Vì cán bộ thuế chỉ có hạn, mà shop thì nhiều nên phải từ từ chứ không nhanh được .

Nếu bạn muốn tự đi kê khai thì cũng đơn giản . Ra chi cục thuế gần nhất báo tôi muốn nộp thuế Shopee , đa số các chi cục bây giờ đều có cán bộ chuyên trách được phân công cho riêng mảng này rồi . Qua 1 cửa hỏi họ sẽ hướng dẫn cho tận tình. Nếu mình tự giác kê khai thì sẽ không bị xử phạt hành chính nữa. “ Khoản 32, Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế quy định: Người nộp thuế khai sai dẫn đến làm thiếu số tiền phải nộp nếu tự giác khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện thì phải nộp tiền chậm nộp, nhưng không bị xử phạt vi phạm thủ tục hành chính thuế, thiếu thuế, trốn thuế…” 

Các khoản thuế / phí / phạt mà shop phải nộp 

1% thuế VAT , 0,5% thuế TNCN   - số tiền này tính dựa trên doanh thu bán hàng của bạn trên Shopee - theo 1 số thông tin được các bạn đã đi nộp về nói lại thì người ta tính dựa trên số tiền Shopee trả vào ví của bạn. Tức là số này đã trừ các loại phí mà Shopee thu của shop.  
Tiền phạt hành chính : Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế => Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng  
Tiền nộp chậm : Đối với khoản tiền thuế nợ phát sinh từ ngày 01/7/2016 thì tiền chậm nộp được tính theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Bán lỗ thì có phải nộp thuế 

Nếu bạn là công ty , doanh thu bán trên Shopee bạn đã kê khai nộp thuế VAT đầy đủ , và công ty bạn đã kê khai chi phí có đủ hồ sơ chứng từ chứng minh chi phí hợp lý hợp lệ được cơ quan thuế chấp nhận và tính ra bị lỗ thì không phải nộp thuế TNDN 

Nếu bạn là cá nhân không ĐKKD hoặc hộ KD thì lỗ hay lãi vẫn phải nộp 1.5% . 

Có cần phải nộp thuế 2021 - 2022 không?

 Có . Nhưng hiện tại TCT chỉ có dữ liệu 2020. Shop nên chủ động kê khai nộp thuế cho các năm sau sớm để tránh bị phạt thêm. Vì sau khi đã có biên bản xử lý vi phạm hành chính về thuế rồi , mà lại tiếp tục vi phạm thì bị gọi là tái phạm rồi và đây là tình tiết tăng nặng và sẽ bị xử nặng hơn. 

kê khai thuế

15. Sàn TMĐT phải cung cấp thông tin gì cho cơ quan thuế?

Đọc thêm thông tin về việc sàn TMĐT phải cung cấp thông tin tại Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế. Theo đó, bổ sung thêm đối tượng phải thực hiện cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân liên quan cho cơ quan thuế như sau:

Chủ sàn thương mại điện tử phải cung cấp doanh thu, thông tin người bán hàng cho cơ quan thuế 
Khoản 7 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP bổ sung khoản 8 Điều 27 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, cụ thể tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử bao gồm: 

- Tên người bán hàng; 
- Mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu; 
- Địa chỉ; 
- Số điện thoại liên lạc; 
- Doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn. 

Lưu ý: Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hằng quý chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau, bằng phương thức điện tử, qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố.

cung cấp thông tin cho cơ quan thuế

16. Nếu có công ty mà lại để tên cá nhân nhận doanh thu từ sàn thì sao?

Bạn có 2 lựa chọn : 

Thứ 1 : Khai là công ty ủy quyền cho cá nhân nhận doanh thu của sàn. Cam kết + chứng minh cá nhân đã nộp doanh thu về công ty, công ty đã kê khai nộp thuế cho phần doanh thu trên sàn đó rồi thì sẽ không phải nộp thêm. Còn nếu công ty chưa hề kê khai và nộp doanh thu trên sàn thì bạn phải nộp VAT + TNDN theo quy định dành cho công ty chứ không phải cho cá nhân . VAT - từ 0 - 10% tùy ngành, TNDN 20% . 

Thứ 2 : Khai là chưa đăng ký kinh doanh : Bị phạt hành chính + truy thu theo diện cá nhân 1.5% doanh thu + bị yêu cầu buộc đkkd 

Vậy một người có nhiều shop có doanh thu đều dưới 100M thì có phải nộp thuế?

Nếu 1 cá nhân khai CMTND + TKNH vào nhiều shop khác nhau thì sẽ cộng tất cả lại và xét doanh thu từng năm của tất cả các shop lại để tính thuế.  
Còn nếu như các shop có người đại diện khác nhau thì tính độc lập từng shop.

Báo cáo tài chính, doanh thu lãi lỗ trên Shopee, Lazada, Tiktok Shop

xem them

17. Đã nộp thuế khoán rồi có phải nộp nữa không?

Nếu như tổng doanh thu trên sàn không cao hơn mức doanh thu khoán mà bạn đã đăng ký với cơ quan thuế thì không phải nộp nữa. Còn nếu tổng doanh thu sàn cao hơn mức bạn đã đăng ký thì phải nộp phần chênh lệch . 

18. Xóa shop, xóa TKNH rồi có phải đóng thuế?

Nếu bị gọi vẫn phải đóng như thường. Bạn khóa hay xóa là bạn không vào được hệ thống thôi. Chứ dữ liệu sàn và bank đều lưu trữ đầy đủ không xóa dòng nào cả. Nó chỉ chuyển thành 1 trạng thái như kiểu đóng băng thôi .Nếu được cơ quan điều tra yêu cầu vẫn trích xuất ra bình thường .                      

NGUỒN CUNG CẤP THÔNG TIN: SHOPEE.VN  

social
5/5 (1 vote)

Nhanh.vn - Phần mềm bán hàng đa kênh

Tốt nhất, được sử dụng nhiều nhất
Hơn 100.000 cửa hàng đã tin dùng
Dùng thử miễn phí

CÔNG TY CỔ PHẦN NHANH.VN

Địa chỉ: 102 Thái Thịnh, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam

Số Giấy CNĐKDN: 0108824877, đăng kí lần đầu ngày 17/07/2019. Nơi cấp: Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội - Phòng đăng kí kinh doanh

Địa chỉ văn phòng:

Tầng 3, Hà Thành Plaza, 102 Thái Thịnh, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Hà Nội

Tầng 3, Số 70 Lữ Gia, Phường 15, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh

Tài khoản ngân hàng:

Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank)

Số tài khoản: 22823456666

Chủ tài khoản: Công ty cổ phần Nhanh.vn

Tải mobile app: Nhanh.vn

Nhanh.vn Android App Nhanh IOS App

Tài liệu cho developer

API Documentation

Lĩnh vực kinh doanh:

- Phần mềm quản lý bán hàng

- Thiết kế website

- Cổng vận chuyển

Điều khoản và chính sách và chính sách sử dụng các dịch vụ phần mềm