TIN TỨC
Danh mục
Bài viết mới nhất

Cách tính doanh thu trên Shopee chuẩn 2025 cho người mới

-10/05/2025

Nhiều người mới bắt đầu bán hàng trên Shopee thường bối rối: vì sao đơn hàng thì nhiều mà tiền nhận về lại không như kỳ vọng? Liệu có phải Shopee thu quá nhiều phí, hay chính bạn đang tính sai doanh thu mà không biết? Cách tính doanh thu trên Shopee không hề đơn giản nếu bạn không nắm rõ cấu trúc phí, cách vận hành đơn hàng và công thức tính toán cụ thể.

Trong bài viết này, tôi sẽ hướng dẫn bạn toàn bộ quy trình tính doanh thu chuẩn 2025, từ việc phân biệt doanh thu và lợi nhuận, nhận diện các loại phí ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cho đến cách theo dõi và tối ưu dòng tiền ngay trong Shopee. 

Cách tính doanh thu trên Shopee chuẩn 2025 cho người mới

1. Doanh thu trên Shopee là gì? Phân biệt doanh thu và lợi nhuận

Trước khi bàn đến cách tính, người bán cần hiểu đúng bản chất của doanh thu trên Shopee. Đây không đơn thuần là số tiền khách hàng thanh toán, cũng không phải là con số bạn thấy hiển thị trong mục "Doanh thu" nếu chưa trừ đi các khoản phí. 

Khá nhiều người bán mới có một ngộ nhận phổ biến: thấy đơn hàng tăng, tiền chuyển về tài khoản thì cho rằng mình đang lãi lớn. Nhưng nếu không kiểm soát được từng khoản khấu trừ và nhầm lẫn giữa doanh thu và lợi nhuận khiến bạn rất dễ rơi vào tình trạng "chốt đơn rầm rộ ví vẫn trống trơn".

1.1. Doanh thu trên Shopee là gì

Trong môi trường bán hàng truyền thống, doanh thu thường được hiểu là tổng số tiền bạn thu được từ việc bán sản phẩm hoặc dịch vụ. 

Tuy nhiên, trên Shopee nơi các khoản phí như thanh toán, hoa hồng, khuyến mãi tài trợ... được tự động khấu trừ thì doanh thu bạn nhìn thấy trong ví Shopee không còn là con số gốc nữa.

Doanh thu trên Shopee là gì
Doanh thu trên Shopee là gì

Về cơ bản, doanh thu trên Shopee không bao gồm tổng số tiền người mua trả, mà bao gồm:

  • Giá sản phẩm (sau khuyến mãi)
  • Phí vận chuyển do người mua thanh toán
  • Các chiết khấu được Shopee hoặc shop áp dụng

Nhưng để ra con số bạn thực nhận, Shopee sẽ trừ đi:

  • Phí thanh toán
  • Phí cố định (hoa hồng)
  • Phí dịch vụ như Freeship Xtra, Voucher Xtra,...
  • Các chi phí phát sinh khác (nếu có)

Hiểu một cách đơn giản nhất, doanh thu trên Shopee là số tiền bạn thực nhận từ một đơn hàng sau khi Shopee đã khấu trừ các loại phí liên quan như: phí thanh toán, phí dịch vụ, phí cố định, chiết khấu khuyến mãi, v.v.

Chẳng hạn như: Khách thanh toán 300.000đ, nhưng Shopee trừ đi 30.000đ tiền phí các loại, thì doanh thu thực nhận của bạn chỉ là 270.000đ.

1.2. Phân biệt doanh thu và lợi nhuận

Nhiều người thường đánh đồng doanh thu với lợi nhuận, nhưng thực tế đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, đặc biệt là trong môi trường sàn thương mại điện tử nơi mọi giao dịch đều được số hóa rõ ràng.

Yếu tốDoanh thuLợi nhuận
Khái niệmTổng số tiền thu được từ bán hàngPhần còn lại sau khi đã trừ hết tất cả chi phí (giá vốn, vận hành...)
Phạm viChỉ bao gồm phí ShopeeBao gồm chi phí nhập hàng, nhân sự, vận hành, marketing, thuế, v.v.
Tác dụngPhản ánh mức độ hiệu quả trên sànPhản ánh sức khỏe tài chính của cả mô hình kinh doanh
Công thứcDoanh thu = Giá bán × Số lượngLợi nhuận = (Giá bán - Tổng chi phí) - Các khoản chi khác
Phụ thuộcDoanh thu không phụ thuộc lợi nhuậnLợi nhuận phụ thuộc vào doanh thu và chi phí phát sinh

Giả sử cửa hàng A chuyên kinh doanh điện thoại. Trong một tháng, cửa hàng nhập 15 chiếc điện thoại với giá 8 triệu đồng/chiếc và bán ra thị trường với giá 11 triệu đồng/chiếc.

  • Doanh thu = 15 chiếc × 11 triệu đồng = 165 triệu đồng
  • Lợi nhuận gộp = Doanh thu - Giá vốn = 165 - (15 × 8) = 165 - 120 = 45 triệu đồng

Tuy nhiên, để vận hành kinh doanh, cửa hàng A phải chi trả chi phí thuê mặt bằng, nhân sự, marketing… khoảng 1,2 triệu đồng/chiếc.

→ Lợi nhuận ròng = Lợi nhuận gộp - Tổng chi phí vận hành = 45 - (15 × 1,2) = 45 - 18 = 27 triệu đồng

→ Lợi nhuận ròng = Lợi nhuận gộp – Tổng chi phí vận hành = 45 - (15 × 1,2) = 45 - 18 = 27 triệu đồng

Từ đó cho thấy dù doanh thu có vẻ lớn nhưng sau khi trừ đi chi phí vận hành, lợi nhuận thực tế chỉ còn lại một phần và đây mới là con số bạn cần quan tâm để đánh giá hiệu quả kinh doanh thực sự.

Nếu bạn chưa biết cách tính lợi nhuận sao cho chính xác và tránh thất thoát tài chính, hãy tham khảo ngay hướng dẫn cách tính lợi nhuận chính xác cho chủ shop để kiểm soát dòng tiền hiệu quả hơn.

Việc hiểu rõ doanh thu là gì và phân biệt đúng với lợi nhuận chính là bước mở khóa đầu tiên để xây dựng tư duy kinh doanh bền vững trên Shopee. Tuy nhiên, để có thể tự tính được doanh thu thực nhận, bạn cần nắm rõ những khoản phí cụ thể mà Shopee trừ trong mỗi đơn hàng.

Vì vậy, ở phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết các khoản thu, chi phổ biến ảnh hưởng đến doanh thu mà người bán nào cũng nên biết trước khi lên giá sản phẩm.

2. Các khoản thu và chi phí ảnh hưởng đến doanh thu Shopee

Hiểu được doanh thu Shopee là gì chỉ là bước khởi đầu. Trên thực tế, con số bạn nhìn thấy trong mục "Doanh thu" tại Shopee Seller Center là kết quả của rất nhiều yếu tố tác động, đặc biệt là các khoản chi phí phát sinh trong quá trình bán hàng.

2.1. Phí thanh toán (Payment Fee)

Một khoản phí bắt buộc, áp dụng cho tất cả người bán trên Shopee, mỗi khi đơn hàng phát sinh giao dịch thành công (đơn "đã giao") hoặc hoàn tiền được chấp thuận.

Mức phí áp dụng năm 2025:

  • 5% giá trị đơn hàng (đã bao gồm VAT)
  • Áp dụng cho tất cả các phương thức thanh toán: COD, thẻ ngân hàng, ShopeePay, SPayLater, Apple Pay, v.v.
Phương thức thanh toánPhí thanh toán (đã bao gồm VAT)
Thẻ tín dụng/ghi nợ hoặc Trả góp bằng thẻ tín dụng5%
Thanh toán khi nhận hàng (COD)5%
Chuyển khoản ngân hàng5%
Thẻ nội địa NAPAS5%
SPayLater5%
Apple Pay5%
Ví ShopeePay, bao gồm:5%
- ShopeePay balance 
- ShopeePay Giro (tài khoản ngân hàng liên kết ShopeePay) 
Các phương thức thanh toán khác khả dụng trên Sàn Shopee trong từng thời điểm cụ thể5%

2.2. Phí cố định (Commission Fee)

Phí cố định là khoản hoa hồng mà Shopee thu trên mỗi đơn hàng thành công. Mức phí sẽ khác nhau tùy vào ngành hàng và tùy bạn có phải là nhà bán hàng trên Shopee Mall hay không.

  • Với người bán không thuộc Shopee Mall, phí dao động từ 1.5% đến 10%
  • Các ngành hàng phổ biến như mẹ & bé, mỹ phẩm, đồ gia dụng thường có mức phí cao hơn
  • Với Shopee Mall, tỷ lệ sẽ thường dao động từ 2% đến 6%.
Phí cố định
 Phí cố định

Lưu ý: Phí này được khấu trừ ngay khi đơn hàng được cập nhật trạng thái “Đã giao”, và sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu nếu bạn không chủ động tính trước trong giá bán.

Từ 01.04.2025, Shopee cập nhật mức Phí cố định cho Người bán không thuộc Shopee Mall: 

Ngành hàng cấp 1Ngành hàng cấp 2Phí cố địnhPhí thanh toánTổng phí trước 01/04/2025Tổng phí từ 01/04/2025
Máy tính & LaptopMáy tính bàn, Laptop, Màn hình1%5%6%6.5%
Điện thoại & Phụ kiệnĐiện thoại, Máy tính bảng1%5%6%6.5%
 Phụ kiện, Thẻ sim, Bộ đàm, Thiết bị đeo thông minh3%5%8%14%
Voucher & Dịch vụTất cả3%5%8%14%
Các ngành hàng điện tử khác-3%5%8%12%
Thể thao & Dã ngoạiDụng cụ thể thao, dã ngoại3%5%8%14%
Đồng hồĐồng hồ nam, nữ, bộ đồng hồ4%5%9%14%
Du lịch & Hành lýVali4%5%9%9%
Sức khỏeThực phẩm chức năng, vật tư y tế, chăm sóc cá nhân4%5%9%14.5%
Mẹ & BéĐồ dùng cho bé, mẹ, đồ chơi...4%5%9%14% – 14.5%
Ô tôÔ tô4%5%9%9%
Nhà cửa & Đời sốngDụng cụ & thiết bị tiện ích4%5%9%14.5%
Mô tô, Xe máyMô tô, xe máy4%5%9%9%
Tất cả ngành hàng còn lại-4%5%9%15%
Khoản phíTrước 01/04/2025Từ 01/04/2025
Phí cố định1% - 4% (*)1.5% - 10% (*)
Phí thanh toán5%5%
Tổng phí ()**12% - 15%6.5% - 15%

Bạn có thể tham khảo chi tiết hơn về phí cố định cho tất cả các sản phẩm trên shopee (đã bao gồm thuế VAT) tại đây.

Không nắm rõ các khoản phí Shopee thu, bạn sẽ rất dễ tính sai doanh thu thực nhận.
Nhanh.Ecom giúp bạn theo dõi chi tiết từng khoản phí sàn, tiền khách thanh toán, tiền Shopee hoàn trả... một cách minh bạch và chính xác.

dung-thu-mien-phi-21.png

2.3. Phí dịch vụ (Service Fee)

Phí áp dụng khi bạn tham gia các chương trình hỗ trợ bán hàng của Shopee là:

Chương trìnhPhí áp dụngThời gian áp dụng
Freeship Xtra6%/sản phẩmĐến 31/03/2025
Voucher Xtra3%/sản phẩmÁp dụng liên tục
Combo Voucher Xtra + Freeship Xtra8% (FS) + 4.5% (Voucher)Từ 02/01/2024
Combo Freeship Xtra Plus + Voucher Xtra9% (FS) + 4.5% (Voucher) - Có trầnTừ 02/01/2024

2.4. Phí vận chuyển bổ sung (nếu có)

Shopee có cơ chế đồng tài trợ phí vận chuyển giữa người mua, người bán và chính sàn Shopee. Tuy nhiên nếu phí vận chuyển thực tế cao hơn khoản phí người mua thanh toán (do khuyến mãi, khu vực vùng sâu, hàng nặng,...), bạn có thể phải bù phần chênh lệch này. 

Khoản này thường không lớn, nhưng nếu đơn hàng nhiều hoặc vận chuyển hàng cồng kềnh thì con số cộng dồn lại có thể ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu ròng.

Phí vận chuyển
Phí vận chuyển

2.5. Các khoản giảm giá do shop tự tài trợ

Ngoài những khoản phí Shopee thu, nhiều shop còn chủ động áp dụng:

  • Mã giảm giá riêng của shop
  • Quà tặng kèm
  • Chiết khấu nội bộ

Dù không thể hiện trực tiếp như một loại phí, nhưng các khoản này sẽ giảm trực tiếp giá trị đơn hàng, nghĩa là làm giảm doanh thu bạn thực nhận nếu không được tính toán và theo dõi kỹ lưỡng.

Tham khảo chi tiết bảng phí bán hàng Shopee Việt Nam (áp dụng từ 07/2024 - 04/2025)

Loại phíMức phí áp dụngThời gian áp dụngGhi chú
Phí thanh toán5% (đã bao gồm VAT)Từ 03/07/2024Áp dụng cho tất cả các phương thức thanh toán: COD, thẻ ngân hàng, ShopeePay, SPayLater, Apple Pay, Google Pay...
Phí cố định4% (đã bao gồm VAT)Từ 03/07/2024Áp dụng cho tất cả đơn hàng thành công (mục "Đã giao") hoặc đơn hàng có yêu cầu Trả hàng/Hoàn tiền được chấp nhận "Hoàn tiền ngay" (trừ lý do "Chưa nhận được hàng")
Phí dịch vụ Freeship Xtra6% giá trị mỗi sản phẩm (đã bao gồm VAT)Từ 03/07/2024 đến 31/03/2025Shopee sẽ ngừng cung cấp Gói Freeship Xtra từ ngày 01/04/2025. Sau thời điểm này, người bán sẽ nhận được ưu đãi phí vận chuyển thông qua các mã miễn phí vận chuyển cho người mua
Phí dịch vụ Voucher Xtra3% giá trị mỗi sản phẩm (đã bao gồm VAT)Từ 03/07/2024Áp dụng cho người bán tham gia chương trình Voucher Xtra
Phí dịch vụ Combo Voucher Xtra & Freeship Xtra- Freeship Xtra: 8% giá trị mỗi sản phẩm- Voucher Xtra: 4.5% giá trị mỗi sản phẩm (tối đa 50.000đ/sản phẩm)Từ 02/01/2024Áp dụng cho người bán tham gia cả hai chương trình Freeship Xtra và Voucher Xtra
Phí dịch vụ Combo Voucher Xtra, Freeship Xtra & Freeship Xtra Plus- Freeship Xtra và Freeship Xtra Plus: 9% giá trị mỗi sản phẩm (tối đa 40.000đ/sản phẩm)- Voucher Xtra: 4.5% giá trị mỗi sản phẩm (tối đa 50.000đ/sản phẩm)Từ 02/01/2024Áp dụng cho người bán tham gia cả ba chương trình Freeship Xtra, Freeship Xtra Plus và Voucher Xtra

Các loại phí Shopee ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu mỗi đơn hàng. Ngoài những khoản đã đề cập, bạn nên tìm hiểu thêm 3 loại phí Shopee người bán cần nắm rõ để tránh các khoản trừ không rõ ràng.

Như vậy, doanh thu thực tế bạn nhận được không đơn giản chỉ phụ thuộc vào số lượng hàng bán ra, mà còn bị ảnh hưởng bởi hàng loạt khoản phí, khuyến mãi và chi phí vận hành. Vì vậy, trước khi tính toán lợi nhuận, bạn cần nắm rõ cách liệt kê và kiểm soát những yếu tố này.

3. Công thức tính doanh thu trên Shopee (chuẩn 2025) 

Muốn kinh doanh hiệu quả trên Shopee, bạn cần làm chủ cách tính doanh thu một cách hệ thống để có thể biết được số tiền vào tài khoản là bao nhiêu và từng khoản bị khấu trừ. Từ đó, bạn mới có thể kiểm soát tài chính, xây dựng giá bán hợp lý và gia tăng lợi nhuận bền vững cho từng sản phẩm.

3.1. Công thức tổng quát tính doanh thu trên Shopee

Doanh thu = (Giá bán sản phẩm + Phí vận chuyển do người mua trả) × Số lượng sản phẩm đã bán

Lưu ý: Doanh thu này chưa bao gồm các khoản chi phí bị trừ tự động như phí thanh toán, phí dịch vụ hay chiết khấu khuyến mãi.

Trong đó: 

  • Doanh thu: Là tổng số tiền khách hàng thanh toán, bao gồm giá bán sản phẩm và phí vận chuyển do khách hàng trả.
  • Giá bán sản phẩm: Là giá niêm yết sản phẩm.
  • Phí vận chuyển do người mua trả: Phần phí ship được cộng vào đơn hàng và do người mua thanh toán. Shopee sẽ cộng khoản này vào doanh thu trước khi tính phí.
  • Số lượng sản phẩm: Số đơn hàng thành công (trạng thái “Đã giao”)
Công thức tổng quát tính doanh thu trên Shopee
 Công thức tổng quát tính doanh thu trên Shopee

Quản lý doanh thu hiệu quả là yếu tố sống còn để shop vận hành ổn định và phát triển bền vững. Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy tham khảo ngay cách quản lý doanh thu bán hàng đơn giản mà hiệu quả để kiểm soát dòng tiền dễ dàng hơn mỗi ngày.

Giả sử bạn thành công bán được 8 sản phẩm, mỗi sản phẩm có giá gốc 150.000đ, và người mua thanh toán thêm 25.000đ phí vận chuyển thì: 

  • Giá bán sản phẩm = 150.000đ 
  • Doanh thu 1 sản phẩm = 150.000đ + 25.000đ = 175.000đ
  • Tổng doanh thu trước khi trừ phí(8 sản phẩm) = 175.000đ × 8 = 1.400.000đ

3.2. Công thức tổng quát tính doanh thu thực nhận trên Shopee

Doanh thu thực nhận = (Giá bán sau khuyến mãi + Phí vận chuyển người mua trả) ×Số lượng sản phẩm - Tổng các loại phí Shopee

Trong đó: 

  • Giá bán sau khuyến mãi: Là giá niêm yết sản phẩm trừ đi voucher do shop tài trợ (không tính voucher của Shopee).
  • Phí vận chuyển người mua trả: Khoản phí khách hàng trả thêm, có thể thay đổi theo trọng lượng đơn hàng.
  • Tổng phí Shopee: Bao gồm các chi phí mà Shopee trừ tự động từ đơn hàng, như:
    • Phí cố định (theo ngành hàng, 1 đến 4%)
    • Phí thanh toán (5% cho mọi phương thức)
    • Phí dịch vụ (nếu có) như: Freeship Xtra, Voucher Xtra, Combo dịch vụ,...

Lưu ý: Phí Shopee luôn được tự động khấu trừ trước khi tiền được ghi vào ví người bán và voucher do Shopee tài trợ không ảnh hưởng đến doanh thu của bạn. Nhưng nếu là mã giảm giá từ shop, phần đó sẽ được trừ vào tổng doanh thu.

Tính doanh thu thực nhận trên Shopee
Tính doanh thu thực nhận trên Shopee

Giả sử shop của bạn bán thành công được 1 sản phẩm với giá bán là 500.000đ, mã giảm giá bạn đưa ra là “giảm 50.000đ cho đơn từ 250.000đ” và phí vận chuyển người mua phải trả là 30.000đ cùng với các loại phí áp dụng (giả định) là:

  • Phí giao dịch: 2%
  • Phí hoa hồng: 5%
  • Phí Freeship Extra: 2%

Tính toán từng bước:

  • Giá bán sau giảm = 500.000đ - 50.000đ = 450.000đ
  • Tổng tiền khách trả = 450.000đ + 30.000đ = 480.000đ
  • Phí giao dịch = 2% × 480.000đ = 9.600đ
  • Phí hoa hồng = 5% × 450.000đ = 22.500đ
  • Phí dịch vụ = 2% × 450.000đ = 9.000đ

Doanh thu thực nhận = 480.000đ - (9.600đ + 22.500đ + 9.000đ) = 438.900đ

Gợi ý: Nếu bạn chưa quen với các con số thì nên sử dụng một file Excel tự động tính doanh thu Shopee bởi chỉ cần nhập các giá trị cơ bản (giá bán, chiết khấu, phí Shopee), bạn sẽ biết ngay số tiền mình thực sự nhận được. 

Việc tính doanh thu thủ công có thể gây sai lệch số liệu. Để đảm bảo chính xác và tiết kiệm thời gian, bạn có thể tham khảo những phần mềm tính doanh thu bán hàng tốt nhất 2025 và chọn cho mình công cụ phù hợp.

Nắm được công thức chuẩn, ở phần tiếp theo tôi sẽ hướng dẫn bạn cách tính doanh thu Shopee từng bước qua một tình huống cụ thể để bạn có thể tự làm, tự kiểm tra và đưa ra quyết định giá bán hợp lý hơn cho sản phẩm của mình.

Nếu bạn ghi nhớ được công thức này và hiểu từng thành phần, bạn sẽ có lợi thế rất lớn trong việc kiểm soát tài chính, hoạch định chiến lược giá và chương trình khuyến mãi cho shop.

4. Tính lợi nhuận Shopee từng bước (có số liệu minh họa)

Không giống như doanh thu, lợi nhuận là thước đo “sức khỏe” thật sự của hoạt động kinh doanh, phản ánh chính xác bạn kiếm được bao nhiêu sau tất cả chi phí vận hành. Đặc biệt, nếu bạn đang chạy quảng cáo, thuê nhân viên hoặc lưu kho, thì việc nắm chắc công thức tính lợi nhuận là điều bắt buộc.

Bước 1: Xác định tổng doanh thu thực nhận

Số tiền bạn thực sự được Shopee thanh toán sau khi đã khấu trừ:

  • Phí thanh toán
  • Phí cố định (hoa hồng)
  • Phí dịch vụ (Freeship Xtra, Voucher Xtra...)
  • Các mã giảm giá shop tự tài trợ

Giả sử bạn bán 1 sản phẩm giá niêm yết 500.000đ. Khách được mã giảm giá 50.000đ (do shop tài trợ), và thanh toán phí ship 30.000đ.

Các loại phí Shopee khấu trừ:

  • Phí thanh toán: 5%
  • Phí hoa hồng cố định: 4%
  • Phí dịch vụ (Freeship Xtra): 6%

Tính toán từng bước:

  • Giá trị giao dịch thực tế: (500.000 - 50.000) + 30.000 = 480.000đ
  • Phí thanh toán: 5% * 480.000 = 24.000đ
  • Phí hoa hồng: 4% * 450.000 = 18.000đ
  • Phí Freeship Xtra: 6% * 450.000 = 27.000đ

Tổng phí Shopee khấu trừ: 24.000 + 18.000 + 27.000 = 69.000đ

Doanh thu thực nhận = 480.000 - 69.000 = 411.000đ

Bước 2: Tính tổng chi phí vận hành

Bao gồm:

  • Giá vốn sản phẩm
  • Chi phí quảng cáo (nếu có)
  • Chi phí đóng gói, nhân sự, vận chuyển bổ sung
  • Thuế VAT (nếu kê khai)

Giả sử:

  • Giá nhập sản phẩm: 300.000đ
  • Quảng cáo Shopee Ads: 25.000đ/sản phẩm
  • Chi phí khác (đóng gói, vận hành...): 10.000đ/sản phẩm
  • Thuế VAT (1.5% doanh thu chuyển khoản): 1.5% x 411.000 = 6.165đ

Tổng chi phí vận hành = 300.000 + 25.000 + 10.000 + 6.165 ≈ 341.165đ

Bước 3: Tính lợi nhuận ròng

Áp dụng công thức: Lợi nhuận = Doanh thu thực nhận - Tổng chi phí vận hành
= 411.000 - 341.165 = 69.835đ

Lưu ý quan trọng khi tính lợi nhuận Shopee:

  • Phải tính đúng từng phí theo thời điểm thực tế, vì chính sách Shopee có thể thay đổi theo tháng hoặc chiến dịch.
  • Không bỏ sót chi phí "ẩn", như: đóng gói, chênh lệch phí ship, hoàn đơn, hoàn xu shop tự chi,...
  • Sử dụng bảng Excel hoặc công cụ tính phí tự động để không bị nhầm lẫn khi quy mô đơn hàng tăng.

Tính nhẩm hoặc bảng Excel không còn đủ dùng khi đơn hàng nhiều và phí biến động liên tục.
Nhanh.Ecom giúp bạn tự động tính doanh thu - lợi nhuận - lãi gộp trên từng đơn hàng Shopee, Lazada, TikTok Shop.
Không cần nhập tay - không lo sai sót

dung-thu-mien-phi-22.png

5. Những lưu ý quan trọng khi tính doanh thu trên Shopee

Hiểu và áp dụng đúng công thức tính doanh thu trên Shopee là điều cần thiết, nhưng chỉ là một phần trong bài toán quản lý tài chính hiệu quả. Để đảm bảo số liệu tài chính phản ánh chính xác hiệu quả kinh doanh, người bán cần chú ý đến những yếu tố dễ bị bỏ sót, từ thời điểm ghi nhận doanh thu đến cách theo dõi phí phát sinh trong từng đơn hàng.

5.1. Doanh thu chỉ ghi nhận khi đơn giao thành công

Shopee chỉ tính doanh thu với các đơn hàng được đánh dấu “Đã giao” hoặc “Hoàn tiền ngay” nếu có phát sinh hoàn trả. Các đơn đang giao, hoàn đơn, hoặc bị người mua từ chối chưa được tính vào doanh thu thực tế.

Doanh thu chỉ ghi nhận khi đơn giao thành công
Doanh thu chỉ ghi nhận khi đơn giao thành công

Lưu ý: Nhiều người bán mới thường cộng cả đơn đang chờ xử lý vào tổng doanh thu, dẫn đến kỳ vọng sai lệch về dòng tiền. Bạn cần theo dõi mục “Đã thanh toán” trong Kênh Người Bán để xác định chính xác thu nhập được ghi nhận.

5.2. Không nhầm lẫn doanh thu và doanh thu thực nhận

Shopee hiển thị một số báo cáo tổng doanh thu chưa trừ phí thanh toán, phí dịch vụ, mã giảm giá, khuyến mãi do shop tự chi trả. Nếu chỉ nhìn vào các con số bề mặt, bạn rất dễ hiểu sai hiệu quả thật sự của gian hàng.

5.3. Thường xuyên cập nhật biểu phí mới nhất của Shopee

Shopee có thể điều chỉnh biểu phí theo thời điểm, ngành hàng, hoặc chương trình ưu đãi như từ 01/04/2025, chương trình Freeship Xtra sẽ chính thức dừng và được thay thế bằng các mã miễn phí vận chuyển cho người mua. Nếu bạn không cập nhật, rất có thể sẽ tính sai doanh thu hoặc định giá không phù hợp.

Để tính doanh thu chính xác, bạn cần hiểu rõ các khoản phí Shopee đang thu, bán hàng trên Shopee mất phí bao nhiêu, cách kiểm tra phí ra sao để tránh bị trừ tiền mà không rõ lý do.

5.4. Đừng bỏ sót chi phí ẩn và phí chênh lệch vận chuyển

Ngoài các khoản phí được hiển thị rõ ràng, Shopee đôi khi trừ thêm các khoản chênh lệch do phí vận chuyển thực tế cao hơn mức phí người mua đã trả. Nếu bạn không để ý báo cáo từng đơn, phần chênh này có thể âm thầm ăn mòn lợi nhuận.

Lưu ý: Nếu bạn bán sản phẩm giá trị thấp, hỗ trợ phí ship cao. Nếu vận chuyển vượt mức hỗ trợ và không được Shopee bù, thì chênh lệch ấy sẽ trừ trực tiếp vào doanh thu. Cần theo dõi kỹ phần “Chi tiết đơn hàng” để phát hiện và điều chỉnh.

5.5. Sử dụng bảng tính riêng hoặc công cụ hỗ trợ theo dõi dòng tiền

Thay vì chỉ phụ thuộc vào hệ thống Shopee, người bán nên tạo bảng Excel quản lý dòng tiền, tích hợp:

  • Giá bán, giá vốn
  • Tất cả loại phí Shopee (theo từng kỳ cập nhật)
  • Doanh thu, lợi nhuận thực tế
  • Ghi chú chiến dịch quảng cáo, hoàn hàng, mã giảm...

Một bảng tính khoa học sẽ giúp bạn đưa ra quyết định giá bán, ngân sách quảng cáo, kế hoạch nhập hàng một cách tự tin và chính xác hơn.

Tính doanh thu trên Shopee không khó, nhưng đòi hỏi bạn tỉ mỉ và nhất quán. Chỉ khi bạn hiểu rõ từng dòng phí, từng thời điểm ghi nhận thu nhập, và chủ động kiểm soát dữ liệu, thì mới tránh được những sai lệch khiến dòng tiền “âm thầm chảy ngược”.

6. Cách theo dõi doanh thu hiệu quả trong Trung tâm người bán Shopee

Biết cách tính doanh thu thôi là chưa đủ. Để kiểm soát được tình hình kinh doanh trên Shopee một cách thực chất và hiệu quả, bạn cần biết theo dõi doanh thu đúng nơi, đúng thời điểm, sử dụng chính các công cụ mà Shopee đã cung cấp miễn phí trong Trung tâm Người Bán (Shopee Seller Center).

Shopee Seller Center luôn đóng vai trò như một “trạm dữ liệu tài chính trung tâm”, nơi người bán có thể theo dõi dòng tiền, phân tích hiệu suất từng đơn hàng và đưa ra quyết định kịp thời cho từng giai đoạn kinh doanh.

Cách theo dõi doanh thu hiệu quả:

Truy cập vào Kênh Người Bán > Chọn Doanh Thu ( trong phần Tài Chính) > Nhập mật khẩu đăng nhập và chọn Xác nhận > Chọn tab Chưa Thanh Toán và Đã Thanh Toán

Chọn Doanh Thu ( trong phần Tài Chính)
Chọn Doanh Thu ( trong phần Tài Chính)
Nhập mật khẩu đăng nhập và chọn Xác nhận
Nhập mật khẩu đăng nhập và chọn Xác nhận

Tại đây, bạn sẽ thấy giao diện tổng quan gồm nhiều mục: Chưa thanh toán, Đã thanh toán, Lịch sử thanh toán, Báo cáo thu nhập,…

Chọn tab Chưa Thanh Toán và Đã Thanh Toán
Chọn tab Chưa Thanh Toán và Đã Thanh Toán

Đối với các đơn hàng Chưa thanh toán:

Bao gồm các đơn đang giao, hoặc chưa được xác nhận “Đã nhận hàng” từ phía người mua và đặc biệt hệ thống sẽ hiển thị Phí vận chuyển ước tính của đơn hàng mà không phải phí vận chuyển thực tế (Phí vận chuyển thực tế của đơn hàng sẽ hiển thị khi đơn hàng đã giao thành công ). Số tiền các đơn hàng này chưa được chuyển về tài khoản 

Đối với các đơn hàng Chưa thanh toán
Đối với các đơn hàng Chưa thanh toán

Đối với các đơn hàng Đã thanh toán: 

Phí vận chuyển thực tế có thể khác với mức phí ước tính ban đầu. Trong trường hợp phát sinh chênh lệch, hệ thống Shopee sẽ hiển thị thông báo cụ thể cho người bán về những đơn hàng có sự sai khác giữa phí vận chuyển thực tế và phí ước tính, giúp bạn dễ dàng kiểm tra và đối chiếu. Hãy chọn Xem thông tin đơn hàng để theo dõi chi tiết.

Đối với các đơn hàng Đã thanh toán
Đối với các đơn hàng Đã thanh toán
Đối với các đơn hàng Đã thanh toán
Đối với các đơn hàng Đã thanh toán
Đối với các đơn hàng Đã thanh toán
Đối với các đơn hàng Đã thanh toán

Doanh thu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá bán. Một mức giá hợp lý không đơn giản chỉ giúp tối ưu đơn hàng mà còn gia tăng hiệu quả kinh doanh. Hãy tham khảo ngay cách tính giá bán trên Shopee chuẩn nhất 2025 để định giá thông minh, bán hàng hiệu quả hơn.

Hay người bán muốn đối soát nhiều đơn cùng lúc, hãy sử dụng chức năng “Tải báo cáo thu nhập” tại mục Báo Cáo Thu Nhập

  • Chọn khoảng thời gian (theo ngày, tuần, tháng)
  • Tải file Excel về máy
  • File sẽ hiển thị: mã đơn hàng, ngày thanh toán, sản phẩm, các khoản phí, và doanh thu thực nhận
Tải báo cáo thu nhập
Tải báo cáo thu nhập

Nếu muốn tham khảo chi tiết cách xuất và xem Báo cáo doanh thu dưới dạng file Exel và tìm hiểu các thông tin có trong file Chi tiết doanh thu tại Shopee Uni

7. Mẹo tối ưu doanh thu - tăng lợi nhuận cho người bán mới

Khi bạn đã hiểu rõ cách tính doanh thu và nắm được từng dòng phí trên Shopee, bước tiếp theo chính là tối ưu hóa lợi nhuận, biến từng đơn hàng thành một điểm tăng trưởng bền vững cho gian hàng. Đặc biệt với người mới, nếu không có chiến lược tối ưu ngay từ đầu, rất dễ rơi vào bẫy "doanh thu cao nhưng lãi ròng bằng 0".

7.1. Bắt đầu với sản phẩm có biên lợi nhuận cao

Người mới thường ham chạy theo sản phẩm "hot trend", nhưng lại quên rằng sản phẩm lãi thấp = sai từ gốc. Bạn nên ưu tiên chọn sản phẩm có:

  • Giá vốn thấp - giá bán tốt
  • Chi phí đóng gói - vận chuyển tiết kiệm
  • Tỷ lệ hoàn đơn thấp

7.2. Tận dụng chương trình khuyến mãi có kiểm soát

Các chương trình khuyến mãi của Shopee như Freeship Xtra hay Voucher Xtra có thể giúp tăng đơn hàng, nhưng kèm theo đó là mức phí dịch vụ từ 3 đến 9% cho mỗi sản phẩm. Nếu tham gia đồng thời cả hai mà bạn không kiểm soát kỹ, có thể bị “ăn mòn” doanh thu mà không hề hay biết.

  • Ưu tiên Voucher Xtra nếu bạn có khả năng tài trợ chiết khấu tốt
  • Tránh giảm giá tràn lan làm ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng
  • Luôn test A/B sản phẩm nào tham gia khuyến mãi có hiệu quả thực sự

Lưu ý: Bạn chỉ nên xem khuyến mãi là công cụ thúc đẩy doanh số có chọn lọc, không phải là "phao cứu sinh" bù lỗ dài hạn.

7.3. Tối ưu chi phí quảng cáo, không chạy theo lượt hiển thị

Chạy quảng cáo Shopee Ads là điều hầu như shop nào cũng sẽ thử qua, nhưng để tối ưu doanh thu thật sự, bạn cần:

  • Bắt đầu với ngân sách nhỏ (dưới 200.000đ/ngày)
  • Chạy đấu thầu từ khóa chính xác thay vì mở rộng
  • Bắt đầu với sản phẩm có tỷ lệ chuyển đổi cao mà không phải sản phẩm có nhiều lượt xem nhất.
  • Theo dõi CPC, tỷ lệ chuyển đổi, giá trị đơn hàng

7.4. Kiểm tra định kỳ biểu phí và báo cáo chi tiết

Shopee có thể thay đổi phí theo quý hoặc từng chiến dịch. Việc cập nhật biểu phí mới và đọc kỹ báo cáo đơn hàng giúp bạn tránh lỗ âm thầm.

  • Đặt lịch kiểm tra báo cáo mỗi tuần
  • Lưu lại biểu phí và cập nhật công thức tính lợi nhuận
  • Tạo bảng Excel theo dõi đơn giản với các chỉ số: doanh thu, phí, lợi nhuận

7.5. Sử dụng combo sản phẩm để tăng giá trị đơn hàng

Thay vì bán lẻ từng sản phẩm, bạn có thể:

  • Gộp combo 2 đến 3 sản phẩm để tăng giá trị đơn hàng
  • Tối ưu phí cố định (vì phí tính theo % sản phẩm, không tính phí ship nhiều lần)
  • Gợi ý thêm sản phẩm phù hợp ngay trong phần mô tả hoặc hình ảnh
  • Mua gói combo rẻ hơn mua lẻ giảm tỷ lệ đơn dưới ngưỡng hỗ trợ phí ship

Tối ưu doanh thu không đơn giản là bán thật nhiều, mà là biết bán đúng cách, đúng sản phẩm, đúng chiến lược giá và phí. Nếu bạn là người mới, đừng vội nghĩ đến việc mở rộng danh mục hay chạy ads rầm rộ. Hãy bắt đầu bằng những điều cơ bản, kiểm soát từng dòng phí và kiên trì theo dõi kết quả từng tuần. 

Doanh thu không phải là con số để ngắm mà là dữ liệu để quyết định. Tôi hy vọng bạn sẽ vừa học được công thức tính, vừa hiểu cách nhìn dòng tiền như một người bán hàng thực thụ. Còn bây giờ, hãy mở Seller Center và kiểm chứng từng con số của chính bạn!

social
5/5 (1 vote)

Nhanh.vn - Phần mềm bán hàng đa kênh

Tốt nhất, được sử dụng nhiều nhất
Hơn 100.000 cửa hàng đã tin dùng
Dùng thử miễn phí

CÔNG TY CỔ PHẦN NHANH.VN

Địa chỉ: 170 Đê La Thành, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam

Số Giấy CNĐKDN: 0108824877, đăng kí lần đầu ngày 17/07/2019. Nơi cấp: Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội - Phòng đăng kí kinh doanh

Địa chỉ văn phòng:

Toà nhà GP Invest, 170 La Thành, Đống Đa, Hà Nội

Tầng 3, Số 70 Lữ Gia, Phường 15, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh

Tài khoản ngân hàng:

Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank)

Số tài khoản: 22823456666

Chủ tài khoản: Công ty cổ phần Nhanh.vn

Tải mobile app: Nhanh.vn

Nhanh.vn Android App Nhanh IOS App

Tài liệu cho developer

API Documentation

Lĩnh vực kinh doanh:

- Phần mềm quản lý bán hàng

- Thiết kế website

- Cổng vận chuyển

Điều khoản và chính sách và chính sách sử dụng các dịch vụ phần mềm