Bạn chuẩn bị ứng tuyển vị trí cửa hàng trưởng? Bạn lo lắng với những câu hỏi hóc búa của nhà tuyển dụng? Hãy cùng Phần mềm bán hàng đa kênh Nhanh.vn khám phá ngay những câu hỏi thường gặp nhất khi phỏng vấn vị trí cửa hàng trưởng, quản lý cửa hàng và cách trả lời chi tiết nhất!
Nội dung chính [hide]
1. Là một cửa hàng trưởng, bạn sử dụng chiến lược nào để thúc đẩy nhân viên?
2. Bạn làm gì để đào tạo và phát triển nhân viên trong cửa hàng?
3. Bạn dùng phương pháp nào để phân công và bàn giao nhiệm vụ cho nhân viên tại cửa hàng?
4. Bạn làm gì để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của cửa hàng trưởng, quản lý cửa hàng?
5. Những bước bạn đã thực hiện để giao tiếp tốt với nhóm bán hàng?
7. Triết lý dịch vụ chăm sóc khách hàng của bạn là gì?
9. Bạn làm thế nào để giải quyết tình huống xung đột giữa các nhân viên trong cửa hàng?
10. Hãy kể cho chúng tôi về một lần bạn phải kỷ luật nhân viên trong cửa hàng vì hành vi kém?
1. Là một cửa hàng trưởng, bạn sử dụng chiến lược nào để thúc đẩy nhân viên?
Các bước chính để tạo động lực thành công bao gồm:
- Dành thời gian với từng nhân viên để tìm hiểu nhu cầu của họ và điều gì thúc đẩy họ.
- Cá nhân hóa chiến lược tạo động lực phù hợp với từng người.
Khi trả lời, ứng viên có thể cung cấp các ví dụ cụ thể về động lực, các công cụ và kỹ thuật đã sử dụng. Ví dụ như thường xuyên đưa ra phản hồi tích cực, công nhận và khen ngợi; khuyến khích nhân viên học kỹ năng và kiến thức mới,...
Gợi ý trả lời: "Tôi hiểu rằng để cửa hàng ăn nên làm ra, bản thân cửa hàng trưởng và mỗi nhân viên bán hàng, thu ngân... đều phải đồng lòng hướng về mục tiêu chung. Là một người lãnh đạo, tôi sẽ cần biết cách thúc đẩy nhân viên của mình để họ làm việc chăm chỉ hơn, hiệu quả hơn. Một số chiến lược tôi coi trọng nhất là: Quan tâm, khen ngợi, phản hồi tích cực, góp ý chân thành, biết lắng nghe và sẵn sàng hỗ trợ, đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng bán hàng cho họ".
2. Bạn làm gì để đào tạo và phát triển nhân viên trong cửa hàng?
Câu trả lời của ứng viên cần bao gồm các bước chính để đào tạo hiệu quả bao gồm:
Dành thời gian để đánh giá kỹ năng và nhu cầu kiến thức cho từng nhân viên.
Điều chỉnh chương trình đào tạo và huấn luyện để đáp ứng nhu cầu cá nhân.
Sử dụng kết hợp các công cụ học tập như cung cấp thông tin, phân tích nhiệm vụ và quá trình thực hiện.
Nhìn chung, là một cửa hàng trưởng, quản lý cửa hàng, bạn phải đảm bảo rằng việc đào tạo có khả năng đáp ứng cả nhu cầu phát triển của nhân viên, đồng thời giúp đáp ứng các mục tiêu của cửa hàng và công ty.
Gợi ý trả lời: "Mỗi nhân viên đều có thế mạnh và những điểm yếu khác nhau. Để xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo, phát triển nhân viên trong cửa hàng, tôi sẽ căn cứ vào từng đối tượng, sau đó phân chia họ vào những nhóm khác nhau để quá trình đào tạo và tiếp thu nhanh nhất, hiệu quả nhất - có như vậy thì khi ứng dụng vào thực tế mới thực sự có ý nghĩa".
Xem thêm: Nếu muốn làm CỬA HÀNG TRƯỞNG, bạn nhất định phải đọc bài viết này
3. Bạn dùng phương pháp nào để phân công và bàn giao nhiệm vụ cho nhân viên tại cửa hàng?
Cửa hàng trưởng, quản lý cửa hàng là người quản lý trực tiếp, phân công nhiệm vụ cho nhân viên và điều chỉnh, đánh giá trong quá trình họ thực hiện. Một câu trả lời lý tưởng bao gồm:
- Xác định mục tiêu nhiệm vụ và phân công cho nhân viên phù hợp.
- Nắm rõ thế mạnh và điểm yếu của nhân viên để bàn giao trách nhiệm.
- Truyền đạt rõ ràng và đề cập tới kết quả mong đợi.
- Đảm bảo nhân viên có nguồn lực phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ.
- Đảm bảo nhân viên hiểu rõ những gì cần phải làm và tầm quan trọng của nhiệm vụ.
Gợi ý trả lời: "Khi phân công nhiệm vụ cho nhân viên trong cửa hàng, tôi chủ yếu dựa vào tính chất của công việc đó và thế mạnh, điểm yếu của từng người. Nếu công việc cần từ 2 nhân sự trở lên thì tôi cũng phải cân nhắc xem mối quan hệ giữa họ và khả năng phối hợp, làm việc nhóm của 2 người thế nào, tất cả đều nhằm mục đích hướng đến chất lượng và hiệu suất cao nhất".
4. Bạn làm gì để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của cửa hàng trưởng, quản lý cửa hàng?
Câu hỏi phỏng vấn này được sử dụng để đánh giá rằng bạn có các quy trình thích hợp giúp giám sát nhóm và nhiệm vụ của chính mình hay không. Trong câu trả lời, bạn nên tập trung vào:
- Thiết lập thời gian và phương pháp theo dõi.
- Xem xét và xác nhận tiến độ.
- Nhận phản hồi từ nhân viên.
Gợi ý trả lời: "Mặc dù chưa từng làm cửa hàng trưởng hay quản lý cửa hàng nhưng với kinh nghiệm 1 năm trong vai trò giám sát cửa hàng, tôi có thể phần nào hiểu được áp lực đến từ khối lượng công việc thực tế của vị trí này. Muốn hoàn thành tất cả các nhiệm vụ và mục tiêu kinh doanh, quản lý, tôi cần biết phân bổ thời gian, sắp xếp công việc hợp lý cũng như không ngừng nâng cao kỹ năng điều phối, có tầm nhìn và khả năng bao quát tốt".
Tìm hiểu thêm: 5 phương pháp huấn luyện nhân viên tuyệt đỉnh dành riêng cho cửa hàng trưởng
5. Những bước bạn đã thực hiện để giao tiếp tốt với nhóm bán hàng?
Giao tiếp là chìa khoá để thành công trong hầu hết các ngành nghề và mối quan hệ xã hội, đặc biệt là trong bán hàng và dịch vụ nói chung. Một số nội dung cần có trong câu trả lời:
- Điều chỉnh phong cách giao tiếp của bạn để phù hợp với các thành viên trong nhóm.
- Lắng nghe và đánh giá tình huống từ quan điểm của từng nhân viên.
- Cơ chế cụ thể bạn đã thực hiện để tạo điều kiện duy trì giao tiếp liên tục.
Gợi ý trả lời: "Giao tiếp là tiền đề để kết nối, hiểu và hợp tác trong công việc cũng như để duy trì quan hệ trong cuộc sống. Với một cửa hàng trưởng, giao tiếp xuất sắc là chìa khóa để thành công - vừa phải trao đổi với khách hàng, với nhà cung cấp, với cấp trên lại vừa phải biết cách lắng nghe và tương tác với nhân viên của mình. Tôi giao tiếp chủ yếu dựa trên sự chân thành, nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc, không to tiếng, bất lịch sự nhưng yêu cầu nhân viên có sự tôn trọng".
6. Bạn đã phát triển và thực hiện chiến lược cụ thể nào tại cửa hàng để cải thiện tình trạng kinh doanh và tăng doanh số?
Khi gặp câu hỏi này, cách tốt nhất là đề cập tới một kinh nghiệm thực tiễn của bạn, trong đó chiến lược và thay đổi bạn đề xuất dẫn tới thành công. Bạn có thể tập trung vào các phần sau:
- Cải thiện dịch vụ khách hàng.
- Cải thiện sự tham gia của khách hàng.
- Tăng quy mô giao dịch.
- Cải thiện chất lượng và cách sắp xếp hàng hóa.
- Mở rộng kỹ năng và kiến thức của nhân viên.
- Tối ưu hóa bảng lương và lập kế hoạch.
- Tăng kiểm soát với hàng tồn kho.
Gợi ý trả lời: "Công việc kinh doanh, bán hàng không thể tránh khỏi những thăng trầm với những nguyên nhân tác động từ mọi phía. Trong quá khứ, phát hiện kinh doanh đi xuống, doanh số giảm tôi đã ngay lập tức tiến hành phân tích số liệu, trao đổi với nhân viên, xin feedback của khách hàng để so sánh, đánh giá và phát hiện vấn đề nằm ở chất lượng sản phẩm. Với trường hợp đó, tôi chỉ có một cách là báo cáo lên trên và bắt đầu thương thảo với nhà cung cấp, đồng thời chủ động tìm nhà cung cấp mới".
7. Triết lý dịch vụ chăm sóc khách hàng của bạn là gì?
Hiểu những gì tạo nên dịch vụ khách hàng tốt và thúc đẩy văn hóa trải nghiệm khách hàng tích cực là chìa khóa thành công như một cửa hàng trưởng, quản lý cửa hàng.
Câu trả lời của ứng viên có thể linh động, tuỳ thuộc vào kinh nghiệm hoặc trải nghiệm của cá nhân bạn và định hướng trong ngành quản lý bán hàng, chẳng hạn như: "khách hàng trên hết",...
Gợi ý trả lời: "Trong kinh doanh, nhất là phân phối và bán lẻ - mỗi ngày tiếp xúc với vô số khách hàng thì dịch vụ chăm sóc khách hàng là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công. Với tôi, chăm sóc khách hàng là vấn đề xuyên suốt quá trình bán hàng - từ tiếp cận khách hàng tiềm năng đến hậu mãi. Triết lý của tôi là 'khách hàng trên hết' - tôi sẽ cố gắng để bản thân và nhân viên mang đến dịch vụ tốt nhất cho khách".
8. Trong trường hợp cửa hàng phải đón tiếp một khách hàng khó tính và họ có thái độ tức giận, mất kiểm soát, là cửa hàng trưởng bạn sẽ xử lý ra sao?
Trong câu trả lời phỏng vấn quản lý cửa hàng, ứng viên cần tập trung vào:
- Tích cực lắng nghe khách hàng và đảm bảo bạn hiểu vấn đề thông qua các câu hỏi chi tiết.
- Các bước bạn đã thực hiện để khắc phục sự cố.
- Chịu trách nhiệm về sự hài lòng của khách hàng.
Gợi ý trả lời: "Với khách hàng khó tính, thường thì họ sẽ yêu cầu gặp cửa hàng trưởng sau khi có bất đồng với nhân viên hoặc cảm thấy nhân viên không thể giải quyết vấn đề của họ. Trước đây tôi cũng từng xử lý vấn đề như vậy nhiều lần rồi. Nhìn chung, tôi chú trọng đến biện pháp trấn an để họ bình tĩnh lại và hỏi đầu đuôi, lắng nghe cả 2 phía. Nếu nhân viên sai, tôi sẽ yêu cầu xin lỗi và bản thân cũng đại diện xin lỗi luôn còn nếu do khách hàng vô lý, quá quắt thì giải quyết dựa vào quy trình của công ty".
9. Bạn làm thế nào để giải quyết tình huống xung đột giữa các nhân viên trong cửa hàng?
Xung đột là một thực tế của cuộc sống và quản lý nó là một phần công việc của cửa hàng trưởng. Người quản lý có năng lực xử lý tình huống nên:
- Tìm hiểu các vấn đề tiềm ẩn xung đột bằng cách đặt câu hỏi và lắng nghe cả 2 bên.
- Xử lý tình huống một cách khách quan và không đổ lỗi.
- Hạn chế phát sinh trường hợp tương tự.
Gợi ý trả lời: "Là một người quản lý, không ai muốn chứng kiến nhân viên của mình xung đột với nhau, đặc biệt là trong môi trường cửa hàng dễ gây ảnh hưởng tiêu cực tới khách. Trước hết, tôi sẽ yêu cầu từng người trình bày và dựa trên lời kể của những người xung quanh (hoặc camera nếu cần) để xác định đúng sai. Tùy vào trường hợp thực tế mà tôi tiến hành hòa giải hoặc kỷ luật".
10. Hãy kể cho chúng tôi về một lần bạn phải kỷ luật nhân viên trong cửa hàng vì hành vi kém?
Một số vấn đề với tác phong, hành vi của nhân viên mà quản lý cửa hàng thường phải giải quyết bao gồm:
- Không đi làm đúng giờ.
- Không tuân thủ chính sách và quy trình của công ty.
- Thái độ với khách hàng.
- Không nghe phân công của quản lý.
- Hành vi gây rối.
Để giải quyết, cửa hàng trưởng nên:
- Ghi lại các hành vi không thể chấp nhận từ quan sát thực tế.
- Cung cấp phản hồi thực tế và tìm ra nguyên nhân.
- Cung cấp hỗ trợ cần thiết.
Gợi ý trả lời: "Với những trường hợp nhân viên phạm sai lầm nghiêm trọng tới mức độ phải kỷ luật hoặc sa thải thì thường sẽ dựa trên quy định của công ty và cửa hàng trưởng là người quyết định xem trường hợp đó nghiêm trọng đến đâu, gây thiệt hại nhiều thế nào. Tôi từng chính thức ra quyết định sa thải một nhân viên bán hàng vì người đó ăn cắp sản phẩm trị giá hơn 1 triệu đồng. Trước khi đuổi việc, tôi cũng yêu cầu người đó đền bù thiệt hại".
Một số câu hỏi phổ biến khác
1. Là một cửa hàng trưởng, bạn dùng những số liệu quan trọng nào để đánh giá thành công hay thất bại của chiến lược bán hàng mới?
2. Trong trường hợp có một (vài) nhân viên bán hàng không đáp ứng được yêu cầu công việc, bạn xử lý như thế nào?
3. Bạn có thể nói về một quyết định khó khăn mà gần đây bạn phải đưa ra tại nơi làm việc không? Bạn đã giải quyết bằng phương pháp như thế nào?
4. Thành tựu lớn nhất của bạn khi làm quản lý cửa hàng là gì?
5. Theo ý kiến của bạn, một người quản lý cửa hàng bán lẻ quy mô lớn cần có những đặc điểm tính cách như thế nào?
6. Theo bạn, chuỗi cửa hàng nào được coi là đối thủ cạnh tranh chính của công ty chúng tôi?
7. Trên cương vị một cửa hàng trưởng, bạn cho rằng những sai lầm nào trong dịch vụ khách hàng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới doanh số?
8. Một sản phẩm đang bán tốt tại các cửa hàng của đối thủ cạnh tranh nhưng lại không được chào đón ở cửa hàng của chúng tôi. Bạn nghĩ nguyên nhân là do đâu?
9. Hãy mô tả quy trình kiểm kê tại cửa hàng trước đây bạn làm việc. Theo bạn, các bước cần thiết nhất để kiểm kê chính xác là gì?
10. Bạn sẽ làm gì nếu có một nhân viên trong cửa hàng kiên quyết không tuân thủ chính sách kinh doanh mới?