Việt Nam là một đất nước có đường bờ biển dài nên nguồn hải sản cực kỳ giàu có và đa dạng. Thêm vào đó, khi mức sống ngày càng cao thì nhu cầu tiêu dùng hải sản của người dân cũng tăng lên. Nguồn cung dồi dào kết hợp với nhu cầu tiêu thụ cao mở ra cơ hội cho việc kinh doanh hải sản tươi sống. Vậy khi kinh doanh mặt hàng này, cần những kinh nghiệm gì? Bài viết sau đây Phần mềm bán hàng đa kênh Nhanh.vn sẽ gợi ý cho bạn những bí quyết trong nghề không thể bỏ qua để có được lợi nhuận cao và tránh được nhiều rủi ro nhất.
Nội dung chính [hide]
1. Kinh doanh hải sản tươi sống có lời không?
2. Các bước cần chuẩn bị khi bắt đầu kinh doanh
2.1. Tìm hiểu thị trường và khách hàng
2.3. Thu thập kinh nghiệm lựa chọn hải sản tươi sống
2.4. Tìm kiếm nguồn cung cấp hải sản tươi sống
2.6. Lên kế hoạch về cách thức bán hàng và dịch vụ chăm sóc khách hàng
3. Nguồn nhập hàng để kinh doanh hải sản tươi sống
1. Kinh doanh hải sản tươi sống có lời không?
Kinh doanh bất cứ một mặt hàng nào cũng đem lại lợi nhuận nếu bạn biết cân đối giữa các khoản chi phí và doanh thu. Xét riêng về mặt hàng hải sản tươi sống thì theo chia sẻ của những người lâu năm trong nghề, đây là một sản phẩm mang lại lợi nhuận khá cao nếu bạn biết được những kỹ năng cần thiết như chọn nguồn hàng, vận chuyển, bảo quản.
Bởi hải sản thường được nhập từ hai nguồn đó là: đánh bắt và nuôi trồng. Giá thành nhập chênh lệch với giá ngoài thị trường khá nhiều vì tính thêm cả những chi phí vận chuyển, bảo quản và rủi ro hải sản chết. Vì vậy nếu bạn có được những kinh nghiệm để hạn chế tối đa được những vấn đề đó thì chắc chắn lợi nhuận sẽ rất cao.
Hơn nữa, nhu cầu về hải sản của người dân càng ngày càng cao do đây là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, ít chất độc hại, chất kích thích do nuôi trồng, đồng thời là món ăn không thể thiếu trong những sự kiện lớn, tiệc tùng nên số lượng tiêu thụ ngoài thị trường khá nhiều.
Kinh doanh hải sản tươi sống có lời không?
Cầu cao và nguồn cung cũng dồi dào nên khá thuận lợi cho kinh doanh hải sản tươi sống. Tuy nhiên, cơ hội nhiều thì cạnh tranh cũng lớn. Hơn thế mặt hàng này cũng có những đặc điểm riêng như cần đảm bảo độ tươi sống nên rủi ro hàng hỏng rất lớn. Vì vậy bạn không thể bỏ qua những kinh nghiệm sống còn trong nghề buôn bán hải sản tươi sống.
2. Các bước cần chuẩn bị khi bắt đầu kinh doanh
2.1. Tìm hiểu thị trường và khách hàng
Công việc đầu tiên khi kinh doanh bất cứ sản phẩm gì đó là nghiên cứu về thị trường và nhu cầu của khách hàng. Bạn cần tìm hiểu về khách hàng nơi bạn mở cửa hàng họ có xu hướng chuộng những loại hải sản gì, giá tiền khoảng bao nhiêu, số lượng tiêu dùng bình quân như thế nào. Để thực hiện được việc này bạn nên làm những cuộc khảo sát ý kiến. Từ những số liệu và câu trả lời thu thập được bạn sẽ biết mình nên hướng vào những loại hải sản nào, ở mức giá ra sao và phân phối bằng cách thức gì.
Bước tiếp theo là khảo sát thị trường, bạn hãy quan sát xem những cửa hàng kinh doanh hải sản tươi sống và siêu thị họ bán những loại hải sản gì, tại sao họ lại tập trung vào những loại mặt hàng đó. Siêu thị hay những cửa hàng kinh doanh lâu năm họ rất có kinh nghiệm trong việc nắm bắt tâm lý khách hàng, chính vì vậy dù giá có thể cao hơn ngoài thị trường nhưng vẫn thu hút được người tiêu dùng. Ở bước này bạn nên để ý kỹ về giá niêm yết tại các cửa hàng để chọn một khung giá cân bằng với thị trường.
2.2. Chuẩn bị vốn
Sau khi đã xác định được những loại hải sản nào bạn định nhập về, số lượng ra sao, ở tầm giá như thế nào, thì bạn cần cân đối số vốn để chuẩn bị. Chi phí luôn bao gồm chi phí cố định (nhập hàng, thiết bị, vận chuyển,...) và chi phí không cố định (những loại phí phát sinh). Bạn cần liệt kê và sắp xếp tất cả những chi phí đó, càng rõ ràng càng tốt để dự trù được chính xác.
Xem thêm:
2.3. Thu thập kinh nghiệm lựa chọn hải sản tươi sống
Bạn không thể cứ thẳng tiến vào thị trường rồi tự nhập tự bán mà không dựa trên kinh nghiệm đúc rút của những người đi trước. Vì vậy trước khi kinh doanh bất cứ mặt hàng nào, dù là hải sản khô hay tươi sống thì đều cần biết mẹo để lựa chọn hải sản sao cho ngon, đảm bảo chất lượng và cách bảo quản để tránh hư hỏng. Cụ thể sau đây là một vài kinh nghiệm chọn hải sản tươi sống chắc chắn phải “bỏ túi”:
Tôm: Màu sắc đều màu, không ngả đục, không có những lốm đốm màu đỏ bất thường; thân tôm săn chắc, vảy cứng ôm sát thân; càng tôm phải đều và không bị gãy; không có mùi tanh, phần đầu và thân phải dính chặt với nhau, nếu con tôm lỏng đầu tức đã để lâu ngày; tôm vẫn bật trên cạn hoặc khi thả vào nước tôm vẫn bơi được.
Cua, ghẹ: Những con vừa phải thì thịt sẽ ngọt và thơm hơn những con to; khi cầm nhấc cua lên càng phải co lại mới tươi, còn nếu càng thõng xuống, hay phản ứng chậm thì cua đã chết hay đã đánh bắt lâu ngày, ăn sẽ nhạt và bã thịt; khi ấn vào thân thì thịt còn cứng, không được nhũn.
Mực: Nên chọn con to, thân dày, chắc thịt, sờ vào có độ đàn hồi cao, còn nguyên túi mực, nếu màu bệch đi, thịt nhũn, không đàn hồi thì chắc chắn mực đã chết. Với mức sim, thì những con nhỏ sẽ ăn ngọt hơn những con cỡ lớn, màu sắc cần tươi, không thâm, râu mực săn chắc.
Cá: Cá tươi sẽ có khả năng bơi và trườn khỏe, thân cá cứng, đàn hồi, vảy cá ôm sát thân, khó cậy, vây còn nguyên, mắt sáng.
Kinh nghiệm chọn hải sản tươi sống
Thêm một vài kinh nghiệm nữa mà chắc chắn những người kinh doanh hải sản sống nào cũng biết đó là thời gian nào nên nhập hay không nên nhập loại hải sản gì. Ví dụ như bí quyết của người đi biển đó là đánh bắt mực vào những ngày trăng sáng thì không hiệu quả nên họ ít khi đi câu hay bắt mực vào những ngày từ mùng 7 đến 12 âm lịch hằng tháng, do đó bạn nên hạn chế nhận những đơn hàng mực thời gian này, và nên gom vào những ngày trước mùng 7 để đáp ứng vừa số lượng bán ra.
Điều quan trọng nhất của kinh doanh hải sản tươi là yếu tố tươi và sạch nên bạn cần nắm cho mình càng nhiều kinh nghiệm chọn hàng và bảo quản càng tốt. Chắc chắn trải qua vài năm kinh doanh trong nghề thì bạn sẽ có được rất nhiều bài học.
2.4. Tìm kiếm nguồn cung cấp hải sản tươi sống
Bước tiếp theo không thể thiếu đó là tìm kiếm nguồn cung cấp hải sản tươi sống. Những tiêu chí để chọn lựa được nguồn nhập hàng đó là:
- Chất lượng sản phẩm tươi, an toàn.
- Có đầy đủ những loại hải sản bạn yêu cầu, số lượng cung cấp ổn định, không gián đoạn.
- Giá thành hợp lý so với thị trường.
- Khoảng cách không quá xa để đảm bảo vận chuyển tiện lợi và tránh mất thời gian chở hàng.
Vì đây là một phần rất quan trọng trong kinh doanh hải sản tươi sống nên Nhanh.vn sẽ dành một mục bên dưới để phân tích kỹ hơn cách chọn nguồn cung cấp đạt chất lượng.
2.5. Chọn địa điểm kinh doanh
Địa điểm bán hàng đóng vai trò khá lớn trong việc thu hút khách hàng và quảng bá cho sản phẩm bạn đang kinh doanh. Chính vì vậy bạn cũng cần khảo sát để chọn được những vị trí có nhiều lợi thế như đông người qua lại, gần những khu mua sắm thực phẩm, không gian thoáng mát,...
2.6. Lên kế hoạch về cách thức bán hàng và dịch vụ chăm sóc khách hàng
Với những sản phẩm khác thì sẽ có hai cách thức bán hàng cơ bản là: bán tại cửa hàng và bán online. Tuy nhiên do đặc trưng riêng của sản phẩm tươi sống thì chủ yếu hình thức kinh doanh là trực tiếp tại điểm bán. Dù vậy thì giao bán trên các trang online cũng thúc đẩy quảng cáo, để kéo lượng khách hàng đến cửa hàng xem thử sản phẩm và quyết định mua hàng. Nên cách tốt nhất vẫn là triển khai song song hai hình thức.
Ngày nay, để tạo sức cạnh tranh so với đối thủ thì các nhà kinh doanh hay chọn phương pháp cải tiến dịch vụ chăm sóc khách hàng để họ hài lòng về cả sản phẩm và dịch vụ. Trong kinh doanh hải sản tươi sống cũng không ngoại lệ. Bạn nên có bảng kế hoạch chi tiết để triển khai những dịch vụ với khách hàng của mình, ví dụ như: miễn ship, chế biến theo yêu cầu, đóng gói kỹ càng,...
Khi bạn có được những kế hoạch triển khai bán hàng và những dịch vụ khách hàng thì gần như bạn đã chuẩn bị đầy đủ các bước để bắt tay vào kinh doanh hải sản tươi sống. Tuy nhiên, Nhanh.vn sẽ giúp bạn tìm hiểu những lưu ý quan trọng trong cách chọn nguồn hàng và điểm bán để công việc kinh doanh chắc chắn và thuận lợi hơn.
3. Nguồn nhập hàng để kinh doanh hải sản tươi sống
Nguồn hàng là một trong những mấu chốt quan trọng nhất trong kinh doanh hải sản tươi sống. Bởi nó sẽ có tác động đến chất lượng sản phẩm bạn bán ra, giá thành sản phẩm, lợi nhuận bạn thu được và tất nhiên là cả uy tín của cửa hàng bạn. Chính vì vậy đây là bước bạn cần đầu tư thời gian tìm hiểu thật kỹ lưỡng. Có 4 nguồn hàng phổ biến để nhập hải sản như sau:
- Tại khu nuôi trồng hải sản
Nếu bạn định kinh doanh những loại hải sản nuôi trồng được như tôm sú, cua, ngao, hến, hàu, sò,.. thì nhập hàng tại khu nuôi trồng hải sản sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi thế. Thứ nhất là nguồn nhập dồi dào, bạn không phải lo lắng về số lượng. Thứ hai, chất lượng cũng đảm bảo, độ tươi gần như tuyệt đối do mình sẽ mua theo đúng ngày họ xuất hải sản lên cạn. Thứ ba là giá rẻ. Đồng thời nếu bạn tìm được chỗ nuôi trồng uy tín thì sau đó bạn sẽ có thể làm hợp đồng về số lượng và loại hải sản bạn yêu cầu, để đến đúng thời vụ, họ sẽ vận chuyển tới cửa hàng bạn.
Những khu nuôi trồng này thường giáp biển, khá phổ biến ở cả 3 miền.
Nhược điểm của nguồn nhập hàng này là bạn cần nhập với số lượng lớn, nếu không khó tìm được nguồn hàng, do họ xuất theo lô, không phù hợp với hình thức kinh doanh nhỏ lẻ.
Có thể bạn quan tâm:
- Tại tàu thuyền đánh bắt hải sản
Cũng tương tự như nguồn lấy hải sản ở khu nuôi trồng, nhập hải sản tại các tàu thuyền chuyên đánh bắt ngoài khơi sẽ cho bạn nguồn hải sản phong phú, hoang dã tự nhiên. Chất lượng hải sản thì chắc chắn sẽ ngon hơn nuôi trồng, nhưng độ tươi thì không bằng do phải đi ngoài biền nhiều ngày trước khi vào đất liền. Giá cả cũng rẻ.
Ở khu vực miền Bắc, bạn có thể đến những nơi đánh bắt như Đồ Sơn, Cát Bà (Hải Phòng), Cửa Lò (Nghệ An)... Còn ở miền Nam có thể nhập ở Vũng Tàu, Ninh Thuận, Nha Trang,...
Nguồn nhập hải sản từ tàu thuyền đánh bắt
- Chợ đầu mối hải sản tươi sống
Đây là nguồn nhập rất phổ biến của các cửa hàng bán lẻ hay nhận phân phối với quy mô nhỏ. Ở đây nguồn hàng được tập trung từ hai nguồn hàng trên nên đa dạng các loài, số lượng cũng rất lớn. Chợ thường họp vào đêm hoặc sáng sớm, nên bạn cũng cần nhập hàng vào thời gian này. Giá cả ở chợ đầu mối sẽ đắt hơn so với ở khu nuôi trồng và tàu thuyền. Tuy nhiên bạn có thể nhập với số lượng ít, vừa phải, để bán trong ngày. Vì có rất nhiều nguồn hàng đổ về đây, nên bạn cũng cần chọn lựa nguồn hàng chất lượng để nhập.
- Tại các đại lý chuyên phân phối hải sản tươi sống
Nguồn hàng này có ưu điểm là các loại hải sản đã qua lần chọn lọc của chủ đại lý, có đầy đủ các loại từ chất lượng cao đến chất lượng trung bình để bạn lựa chọn. Thêm vào đó, bạn có thể đến nhập hoặc đặt với số lượng bất kỳ vào thời điểm nào cũng được, không phải chạy đêm hôm như các nguồn nhập trên. Tuy nhiên giá thành sẽ cao nhất trong tất cả các nguồn nhập được nêu ra. Vì vậy nếu bạn kinh doanh nhỏ lẻ thì nên nhập ở đại lý để phù hợp với số lượng bán trong ngày.
4. Cách trưng bày và bảo quản hải sản tươi sống ở cửa hàng
Trong cửa hàng bán hải sản tươi sống có rất nhiều những đồ chuyên dụng như bình sục oxi, các thùng chậu đựng hải sản, thiết bị thông khí,... Vậy làm sao để bố trí gian hàng cho hợp lý.Sau đây là một vài lưu ý trong việc trưng bày hải sản để tiết kiệm không gian và thu hút người nhìn:
- Thiết kế phân chia mỗi loại hải sản một khu vực và sắp xếp theo từng mức giá để người mua dễ chọn lựa.
- Tránh để hải sản ở sát ngay ngoài cửa - nơi đón ánh nắng, như vậy dễ làm nước nóng, và hải sản dễ chết.
- Những dụng cụ để hải sản được làm sạch thường xuyên, mặt kính thì nên lau chùi sạch sẽ để tạo cảm giác an tâm cho người đến mua hàng.
- Giá cả nên được thống nhất rõ ràng, nên niêm yết thành bảng, phân theo từng loại để dễ theo dõi, chuyên nghiệp.
Cách trưng bày hải sản tươi sống tại cửa hàng
Về cách bảo quản tại cửa hàng, với những hải sản sống cần đảm bảo sục khí oxi thường xuyên, cung cấp ánh sáng đủ để các loại có thể phát triển bình thường, và cần có máy phát điện dự phòng trường hợp cắt điện xảy ra. Đối với những mặt hàng ướp lạnh thì cần đảm bảo nhiệt độ phù hợp. Nên kiểm tra thường xuyên để phát hiện những con chết và loại bỏ ngay.
5. Kinh nghiệm bán hàng
- Chú trọng vào tiếp thị sản phẩm
Đây là cách để bạn quảng cáo sản phẩm của bạn đến những khách hàng tiềm năng, bạn nên tận dụng những mối quan hệ xung quanh và mạng xã hội. Tự xây dựng thương hiệu cho cá nhân và cho cửa hàng bạn với những bài viết thực sự hữu ích xung quanh thực phẩm, hải sản, cách chế biến,.. Nhiệm vụ của bạn là có kế hoạch triển khai để tiếp thị sản phẩm đến càng nhiều người càng tốt bằng tất cả các cách thức truyền thông.
- Luôn tạo ra những ưu đãi để thúc đẩy nhu cầu người mua
Thời gian đầu kinh doanh bạn nên áp dụng những chương trình khuyến mại như: miễn phí dùng thử sản phẩm trên một số lượng khách hàng nhất định, giảm giá với những mặt hàng được ưa chuộng, giảm giá trên hóa đơn khi đạt giá trị tối thiểu nào đó, tặng kèm,... để tăng nhu cầu người tiêu dùng.
Với hải sản luôn có những mặt hàng bán khá chậm, bạn cần tính toán để đến một thời điểm hợp lý tạo khuyến mại để nhanh chóng tiêu thụ hết, tránh trường hợp tồn kho, hư hỏng. Đồng thời bạn có thể kèm thêm những dịch vụ như chế biến các món hải sản theo nhu cầu của khách hàng nếu quy mô kinh doanh bạn nhỏ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Kinh doanh hải sản tươi sống có nhiều cơ hội nhưng cũng có những thách thức bạn cần làm quen và đối mặt. Để hạn chế được rủi ro trong kinh doanh thì bạn cần đầu tư tiền bạc, thời gian, công sức để học hỏi kinh nghiệm, chuẩn bị kỹ lưỡng. Hy vọng bài viết này của phần mềm bán hàng Nhanh.vn sẽ hữu ích với bạn.
Chúc bạn thành công!