Hiện nay thị trường xe máy Việt Nam đang vô cùng sôi động với rất nhiều các hãng sản xuất xe máy đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt như: Honda, Yamaha, Suzuki, SYM, Piaggio. Tuy nhiên, trong số đó thì Honda chiếm ưu thế hơn cả với hơn 70% thị phần. Hình ảnh chiếc xe máy đã gắn liền với thương hiệu Honda, bằng chứng là khi nói đến xe máy, người dân Việt Nam hay gọi đó là Honda chứ không gọi là xe máy, thương hiệu Honda đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Ngoài xe máy, công ty Honda cũng kinh doanh sản xuất ô tô tuy nhiên xe máy vẫn là thành công nhất tại thị trường Việt Nam. Có thể thấy, Honda Việt Nam đã có chiến lược kinh doanh vô cùng hiệu quả đem lại thành công đáng ngưỡng mộ. Bài viết dưới đây, Nhanh.vn sẽ giúp các bạn tìm hiểu về chiến lược kinh doanh của Honda Việt Nam.
Nội dung chính [hide]
1. Xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu
Tên gọi: HONDA – vừa mạnh mẽ, vừa độc đáo, font chữ được thiết kế chữ in hoa màu đỏ thể hiện sự mạnh mẽ và sáng tạo
Logo: Nhìn vào logo này tất cả mọi người đều biết đây là logo của hãng xe Honda Việt Nam. Logo cánh chim quen thuộc này đã để lại dấu ấn rất sâu sắc trong tâm trí người dân Việt.
Slogan: “The Power Of Dream”. Mỗi người đều có một giấc mơ, một mục tiêu hoạt động làm cho cuộc sống của chúng ta thêm sâu sắc và có ý nghĩa hơn. Khi chúng tôi theo đuổi ước mơ, chúng tôi cảm thấy được sức mạnh.
Một slogan thành công thường mang trong mình thông điệp ấn tượng và khơi dậy được trí tưởng tượng của khách hàng về sản phẩm. Với Honda thay vì phải nói dài dòng về tiêu chí của công ty muốn hướng đến, công ty đã dùng slogan “The Power Of Dream” nói lên tiêu chí mà công ty muốn mang tới cho người tiêu dùng. Honda Việt Nam muốn mang đến cho mỗi người dân Việt Nam sự an toàn và hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Câu slogan này như một thông điệp mà Honda muốn gửi đến mọi khách hàng: “Trở thành một công ty được xã hội mong đợi, nỗ lực hết mình vì sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam”.
2. Chiến lược phát triển thương hiệu
- Chiến lược chi phí thấp
Mục tiêu của Honda là tạo lợi thế cạnh tranh bằng cách tạo ra sản phẩm với chi phí thấp nhất. Như vậy, xuất phát từ việc sử dụng chiến lược đa quốc gia cho sản phẩm là xe máy. Honda đã tập trung phát triển nhà máy sản xuất tại Việt Nam để tận dụng được ưu thế về tính kinh tế theo địa điểm của Việt Nam. Bên cạnh đó, Honda cũng chú trọng đến chiến lược phát triển đa dạng nhiều dòng sản phẩm nhắm tới các khách hàng mục tiêu khác nhau, từ dòng xe phân khúc giá rẻ đến dòng xe phân khúc cao cấp. Honda đưa ra dòng xe máy Wave alpha có giá từ 13.000.000 VND, chất lượng bền, kiểu dáng nhỏ gọn phù hợp nhu cầu người tiêu dùng nông thôn – thu nhập thấp. Chiến lược cạnh tranh chi phí thấp này đã giúp Honda chiếm lĩnh được thị trường nông thôn 70% dân số Việt Nam.
Honda cũng gặp phải áp lực cạnh tranh lớn vì nhiều đối thủ cạnh tranh nên sự lựa chọn của khách hàng phong phú nhưng đa số người tiêu dùng chưa có những đòi hỏi quá khắt khe về 1 số đặc tính chuyên biệt của sản phẩm. Chiến lược khách hàng của Honda là họ giải quyết bất kỳ khiếu nại nào, chuẩn bị sẵn các phụ tùng thay thế phải nâng cao hơn nữa việc quản lý, chăm sóc khách hàng của mình để có thể tạo nên nhiều khách hàng trung thành và nâng cao vị thế cạnh tranh của mình.
Thành công: Honda Việt Nam đã thành công với các dòng xe giá thấp nhưng chất lượng khá tốt như Wave α. Các dòng xe này đã mang lại sự thỏa mãn cao cho người tiêu dùng. Trong giai đoạn đầu kinh doanh tại Việt Nam Honda đã vấp phải sự cạnh tranh rất lớn từ xe máy giá rẻ của Trung quốc nhưng thông qua chiến lược chi phí thấp Honda đã cho ra đời sản phẩm xe lắp ráp tại Việt Nam là Wave α với giá tương đương so với xe máy trung quốc nhưng chất lượng thì cao hơn, qua đó giúp Honda giành lại thị phần và ngày càng lớn mạnh tại Việt Nam.
Hạn chế: Chiến lược chi phí thấp đã mang lại thành công lớn cho Honda Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện chiến lược. Mức giá Honda đưa ra cho một số sản phẩm vẫn còn cao, công ty vẫn có thể giảm hơn nữa mức giá thông qua việc nâng cao quản lý chi phí nguồn nhân lực và sự chênh giá giữa giá công ty đề xuất và giá thị trường.
Xem thêm: Câu chuyện xoay quanh nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam - Digiworld
- Chiến lược khác biệt hóa
Sản phẩm của Honda được biết đến bền, đẹp, động cơ khỏe và tiết kiệm nhiên liệu. Với bất kì dòng sản phẩm nào, Honda luôn cách tân kiểu dáng, kĩ thuật để phù hợp với người tiêu dùng. Ngoài ra Honda còn đưa vào thị trường Việt Nam dòng sản phẩm chất lượng cao như xe máy SH và mới đây nhất là CPX. Đây là dòng sản phẩm cao cấp với nhiều tính năng được trang bị riêng, vượt trội để nhằm hướng đến lượng khách hàng có thu nhập cao, giới trẻ, thích sản phẩm thời thượng, đẳng cấp.
Thành công: Honda đưa ra một tiêu chí khác biệt hóa rất thuyết phục để khách hàng mua sản phẩm là “tiết kiệm nhiên liệu”. Với việc đưa ra thị trường công nghệ FI, phun xăng điện tử, Honda Việt Nam đã đánh trúng tâm lý khách hàng khi mà giá xăng tăng liên tục, góp phần tăng nhanh thị phần. Bên cạnh đó công ty đưa ra chiến lược hướng vào giới trẻ, phần dân số đang chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dân số, Honda lấy khẩu hiệu rất trẻ trung là “Be U with Honda” cùng với đó là chiến lược quảng cáo rầm rộ trên báo đài, tạo nên một hình ảnh mới trẻ trung cho Honda vốn được coi là sản phẩm cho những người thuộc thế hệ trước. Sản phẩm của Honda luôn cải tiến về mẫu mã, màu sắc bắt mắt để bắt kịp sự năng động của giới trẻ.
Hạn chế: Công nghệ tạo ra sự khác biệt hóa của Honda không có sự đột phá chỉ là cải tiến công nghệ hiện có do đó sự cải tiến của Honda nhanh chóng bị các công ty khác đưa ra các sản phẩm tương tự.
- Chiến lược trọng tâm
Ngoài dòng sản phẩm trên, Honda còn đưa ra 1 số dòng sản phẩm phù hợp với khách hàng là nữ như tính tiện dụng và thời trang trong khi giá thành chỉ ở mức trung bình. Đây là loại xe sử dụng rất dễ dàng, không cần đến côn, số, Box đựng đồ lớn có thể chứa được nhiều thứ quan trọng... loại xe này có nhiều thiết kế phong phú, độc đáo, sang trọng, phù hợp với cá tính của lớp trẻ, đặc biệt phụ nữ. Vì vậy mà xe tay ga của Honda ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Công ty Honda Việt Nam đã tung ra thị trường loại xe tay ga mới mang tên Click, và sau đó lần lượt là: Air Blade (4-2007), Click Play (9- 2008), Lead (12- 2008)
Thành công: Một thành công khác trong chiến lược kinh doanh của Honda có thể nói đến là chiến lược trọng tâm. Nhận thấy sự gia tăng nhanh chóng của nhóm khách hàng có nhu cầu sử dụng tay ga với nhiều yêu cầu cao, công ty đã nhanh chóng đưa ra các sản phẩm xe tay ga cho phân khúc cao cấp: SH, Spacy, @. Dòng xe này được Honda liên tục cải tiến đế đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngoài dòng xe cao cấp SH Honda Việt Nam cũng đưa ra những sản phẩm như PSi, @,... Tại đây Honda đã tạo lập một phân khúc mới cho thị trường xe ga cao cấp, qua đó cạnh tranh trực tiếp để giành được rất nhiều thị phần xe ga của Piagio và các hãng xe khác.
Hạn chế: Bên cạnh đó chiến lược trên cũng xuất hiện nhiều hạn chế: Giá luôn đặt mức cao như xe SH, Spacy, @, PS, … khiến cho doanh số bán hàng thấp, xe thường xuyên bị tồn kho gây khó khăn cho việc thực hiện kế hoạch kinh doanh. Hình ảnh về Honda đã bị ảnh hưởng xấu khi để giá quá cao, tạo sự khan hiếm giả tạo để luôn đẩy giá lên. Chất lượng các dòng xe trong chiến lược trọng tâm không có nhiều sự cải tiến, thường chỉ có sự thay đổi về kiểu dáng.
Mời bạn tham khảo: Chiến lược kinh doanh quốc tế rất đáng học hỏi của Coca Cola
3. Truyền thông quảng bá thương hiệu
Honda là một thương hiệu rất mạnh tay trong việc truyền thông quảng cáo, với các chiến dịch quảng cáo từ truyền hình đến quảng cáo Outdoor. Trên những đoạn đường giao thông chúng ta có thể bắt gặp những quảng cáo của Honda, những quảng cáo rầm rộ cho những dòng sản phẩm mới của mình, hay chỉ là lời tuyên truyền về an toàn giao thông. Hơn thế nữa, quảng cáo truyền hình là thế mạnh của Honda với những TVC quảng cáo dày đặc và được hãng chăm chút đánh vào sức sống trẻ của Việt Nam.
Honda hợp tác với đài truyền hình Việt Nam cho ra mắt serie chương trình “Tôi yêu Việt Nam” nhằm mục đích gia tăng độ hiểu biết an toàn giao thông tới Việt Nam. Chương trình được truyền thông mạnh mẽ trên truyền hình và cả trên Internet với độ phủ sóng lớn phạm vi toàn quốc. Với chiêu thức này trong chiến lược Marketing của Honda, hãng mong muốn có thể tạo được thiện cảm với khách hàng, làm gia tăng được độ tin cậy và “ghim” vào trong tiềm thức về một thương hiệu sạch, gia tăng được mức độ nhận diện. Kết quả thì mọi người có thể thấy được thành công như thế nào với lượng bán ra hàng năm ở con số hơn 60% thị phần xe máy.
Ngoài ra, Honda còn tổ chức một loạt sự kiện như: “Honda – trọn niềm tin”, “BeU+ with Honda”,… nhằm tri ân khách hàng đã gắn bó với Honda Việt Nam, qua đó không chỉ củng cố lòng trung thành của khách hàng cũ mà còn gây dựng được hình ảnh tốt đẹp trong mắt khách hàng mới.
Bên cạnh truyền thông trên các phương tiện báo đài và pano quảng cáo, thì những chương trình khuyến mãi cũng là một điểm mạnh của Honda khi liên tục đưa ra những chương trình khuyến mãi với giá ưu đãi. Đây có lẽ là những chiến dịch khuyến mại thành công nhất của Honda. Thông thường trong các chiến dịch này khi mua xe máy của Honda như một chiếc xe Dream bạn được tặng một mũ bảo hiểm của Honda sản xuất, được hỗ trợ phí khi đăng ký giấy tờ về xe, và cũng có thể là được bảo dưỡng định kỳ tại các trung tâm của Honda mà không phải trả tiền. Những chương trình dịch vụ lưu động đến các tỉnh thành khác chứng tỏ mức độ quan tâm của hãng tới khách hàng, và trong từng tháng, các hoạt động như BeU của Honda thường có tổ chức khuyến mãi để nâng cao dịch vụ. Chiến lược này rất được lòng khách hàng và nó tạo ra những phản hồi tích cực từ dư luận.
Honda Việt Nam đã có chiến lược kinh doanh phù hợp với thị trường và gặt hái được nhiều thành công với mặt hàng xe máy. Bạn đọc có thể tham khảo và học tập những chiến lược này của Honda để áp dụng vào công việc của mình.