“Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu…” giai điệu quen thuộc này dễ khiến nhiều người nhớ ngay đến không khí rộn ràng của Tết Trung thu. Đây là dịp lễ gắn liền với hình ảnh những chiếc lồng đèn rực rỡ, tiếng trống múa lân vang lên khắp đường phố và sự háo hức của trẻ nhỏ mỗi khi đêm rằm về.
Qua nhiều thế hệ, Trung Thu đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ, đồng thời là nét văn hóa đặc trưng của người Việt vào dịp rằm tháng Tám. Vậy Trung thu bắt nguồn từ đâu và mang ý nghĩa gì trong đời sống văn hóa của người Việt?
- 1. Tết Trung thu 2025 là ngày nào, thứ mấy?
- 2. Tết Trung thu ở Việt Nam bắt nguồn từ đâu?
- 3. Ý nghĩa ngày Tết Trung thu
- 3.1. Dự đoán mùa màng bội thu
- 3.2. Trung thu là dịp dạm hỏi, dịp giao duyên của nam nữ
- 3.3. Trung thu là ngày thưởng trà, làm thơ, ngắm trăng
- 3.4. Trung thu là thời điểm bắt đầu của mùa khai giảng
- 3.5. Tết Trung thu là ngày mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ
- 4. Những phong tục truyền thống trong ngày Tết Trung thu
- 4.1. Rước đèn
- 4.2. Múa lân
- 4.3. Bày mâm phá cỗ
- 4.4. Làm bánh Trung thu
- 5. Những điều thú vị về Tết Trung thu ở Việt Nam
- 5.1. Đa dạng kiểu lồng đèn từ dân gian đến hiện đại
- 5.2. Tết Trung thu hiện diện trong những bài thơ, câu văn, bài hát
- 5.3. Sự sáng tạo của các loại bánh Trung thu
1. Tết Trung thu 2025 là ngày nào, thứ mấy?
Với nhiều gia đình Việt, Tết Trung thu là dịp để quây quần bên nhau, cùng chuẩn bị mâm cỗ, có gia đình sẽ làm lồng đèn cho con cháu và dành thời gian gắn kết sau những ngày bận rộn. Đây cũng là khoảng thời gian trẻ nhỏ được vui chơi, phá cỗ, tạo nên những kỷ niệm tuổi thơ đáng nhớ. Tuy nhiên, vì được tính theo lịch âm, Tết Trung thu không rơi vào một ngày cố định trên lịch dương mỗi năm. Chính điều này khiến không ít người, đặc biệt là các gia đình, trường học, doanh nghiệp có ý định tổ chức sự kiện, thường phải chủ động tra cứu và lên kế hoạch từ sớm.
Theo lịch âm – dương chính thức, Tết Trung thu năm 2025 sẽ diễn ra vào ngày thứ Hai, 6 tháng 10 năm 2025, tức ngày 15 tháng 8 âm lịch năm Ất Tỵ.
Tham khảo thêm: Ngày Trung thu của các năm từ 2020 - 2025
Năm | Ngày Trung thu (Dương lịch) | Thứ |
2020 | 01/10/2020 | Thứ Năm |
2021 | 21/09/2021 | Thứ Ba |
2022 | 10/09/2022 | Thứ Bảy |
2023 | 29/09/2023 | Thứ Sáu |
2024 | 17/09/2024 | Thứ Ba |
2025 | 06/10/2025 | Thứ Hai |
Việc Tết Trung thu 2025 rơi vào thứ Hai tạo ra một lợi thế lớn cho các tổ chức, trường học và gia đình muốn tổ chức lễ hội vào cuối tuần liền kề (ngày 4 – 5/10/2025). Đây là khoảng thời gian lý tưởng để thiết kế các hoạt động như:
- Chương trình “Đêm hội trăng rằm” cho học sinh tại các trường mầm non, tiểu học.
- Lễ hội văn hóa Trung thu tại các khu phố cổ, di tích lịch sử hoặc làng nghề truyền thống.
- Sự kiện nội bộ tại các doanh nghiệp – tổ chức dành tặng nhân viên và con em.
- Chiến dịch truyền thông – marketing cho các thương hiệu, nhất là ngành F&B, bán lẻ, du lịch, sản phẩm dành cho trẻ em.
Các tên gọi khác của Tết Trung thu
- Rằm tháng Tám: Đây là cách gọi dựa trên thời gian tổ chức lễ, diễn ra vào đúng ngày 15 tháng 8 âm lịch hằng năm. Tên gọi này nhấn mạnh yếu tố lịch tiết và thời điểm trăng tròn nhất trong năm.
- Tết Trông Trăng: Tên gọi này xuất phát từ truyền thống ngắm trăng, một hoạt động lâu đời có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngày nay, cách gọi này chủ yếu còn tồn tại ở một số vùng nông thôn Việt Nam, nơi mọi người vẫn giữ thói quen tụ họp ngoài sân, vừa ngắm trăng tròn sáng rực, vừa trò chuyện cùng người thân trong không khí đêm Rằm thanh tịnh.

- Tết Đoàn Viên: Sau tên gọi "Tết Trung thu", đây là cách gọi được sử dụng phổ biến nhất. Tết Đoàn Viên thể hiện đúng tinh thần gắn kết của ngày lễ, khi các thành viên trong gia đình dù ở đâu cũng cố gắng trở về nhà, quây quần bên mâm cỗ trông trăng. Hình ảnh ông bà, cha mẹ và con cháu sum họp, cùng trò chuyện, ăn bánh Trung thu và nghe tiếng cười của trẻ nhỏ chính là nét đẹp tiêu biểu trong ngày này.
- Tết Hoa Đăng: Tên gọi này có nguồn gốc từ Trung Quốc, gắn liền với phong tục thả đèn hoa đăng trong đêm Trung thu. Người dân không chỉ treo lồng đèn rực rỡ trước nhà mà còn viết lời ước nguyện, đặt vào những chiếc hoa đăng nhỏ thắp sáng rồi thả trôi theo dòng nước. Đây là hành động tượng trưng cho việc gửi gắm mong ước về hạnh phúc, sức khỏe, bình an đến tương lai.
2. Tết Trung thu ở Việt Nam bắt nguồn từ đâu?
Tết Trung thu là dịp lễ đặc biệt trong năm, được rất nhiều trẻ nhỏ mong chờ. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, vẫn chưa có sự khẳng định rõ ràng về nguồn gốc của Tết Trung thu là từ Việt Nam hay tiếp nhận từ văn hóa Trung Hoa. Trong dân gian, ba truyền thuyết thường được nhắc đến nhiều nhất để lý giải về ngày lễ này là chuyện Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng, và sự tích chú Cuội của người Việt.
Tại Trung Hoa, Tết Trung thu được ghi nhận có từ thời Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng) vào đầu thế kỷ thứ 8. Theo truyền thuyết, sau khi dẹp loạn An Lộc Sơn, Đường Huyền Tông nhớ thương Dương Quý Phi khôn nguôi. Đêm rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, một vị tiên xuất hiện tình nguyện đưa vua đi gặp Quý Phi. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chấm mặt đất, nhà vua trèo lên cầu vồng đi lên cung Quảng, nhìn thấy Quý Phi xưa trong đoàn vũ. Sau khi trở về trần gian, nhà vua vẫn lưu luyến khung cảnh cung trăng nên đã đặt ra ngày Tết Trung thu. Lúc đầu, đây chỉ là dịp để ngắm trăng và uống rượu, vì vậy còn được gọi là Tết Ngắm Trăng.
Tại Việt Nam, Tết Trung thu cũng đã có từ rất lâu đời. Theo các nhà khảo cổ học, Tết Trung thu ở Việt Nam đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, một trong những biểu tượng tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn. Bên cạnh đó, văn bia chùa Đọi năm 1121 cũng ghi lại rằng từ thời nhà Lý, Tết Trung thu đã được tổ chức chính thức ở kinh thành Thăng Long với các hoạt động như đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến thời Lê – Trịnh, lễ hội này được tổ chức quy mô lớn trong phủ Chúa, được miêu tả chi tiết trong sách Tang thương ngẫu lục.

Theo học giả P. Giran (trong tác phẩm Magiet Religion, xuất bản tại Paris năm 1912), người Á Đông từ xưa đã coi trọng mặt trăng và mặt trời như một cặp vợ chồng. Mặt trăng được xem là biểu tượng nữ tính, đại diện cho đời sống hôn nhân, còn mặt trời đại diện cho tính dương. Họ quan niệm rằng, mỗi tháng mặt trăng và mặt trời chỉ được “gặp nhau” một lần vào cuối tuần trăng. Sau đó, ánh sáng của mặt trời tiếp tục chiếu rọi để trăng chuyển dần từ non sang tròn rồi lại bắt đầu chu kỳ mới. Chính vì thế, ngày rằm tháng Tám khi mặt trăng tròn và đẹp nhất được chọn làm thời điểm tổ chức lễ hội, ăn Tết để mừng trăng, mừng đoàn viên.
Ngoài ra, theo sách Thái Bình hoàn vũ ký, người Lạc Việt xưa thường mở hội vào tháng Tám mùa thu, nơi trai gái gặp gỡ, giao duyên và nếu ưng ý sẽ nên vợ nên chồng. Điều này cho thấy mùa thu, đặc biệt là rằm tháng Tám, từng là thời điểm rất quan trọng trong đời sống tinh thần và xã hội người Việt.
Theo sử sách, Tết Trung thu đã tồn tại ít nhất 2.000 năm. Trong thời cổ đại, các vị vua thường tế mặt trời vào mùa xuân và tế mặt trăng vào mùa thu.
Theo âm lịch ngày 15 tháng 8 là thời điểm giữa mùa thu cũng được coi là “ngày lành” để làm lễ cúng trăng. Tục lệ ăn bánh hình mặt trăng trong dịp này được cho là bắt đầu từ thời Bắc Tống ở Trung Quốc, cách đây hơn 1.000 năm.
3. Ý nghĩa ngày Tết Trung thu
Từ những truyền thuyết và phong tục xưa, Tết Trung thu đã dần trở thành một dịp đặc biệt, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người Việt. Vậy ngày lễ này có ý nghĩa gì trong văn hóa Việt Nam?
3.1. Dự đoán mùa màng bội thu
Tết Trung thu diễn ra vào thời điểm mùa vụ đã kết thúc, công việc đồng áng tạm lắng, các sản vật thu hoạch cũng trở nên phong phú. Tết Trung thu như vậy vừa mang ý nghĩa tổng kết mùa vụ, vừa mang những ước vọng, mong muốn của những tầng lớp xã hội khác nhau, như đoán định mùa vụ năm tới, đoán định vận nước, vận vua, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gửi gắm ước nguyện thành đạt, có vị trí trong xã hội, trong triều đình.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên đã đề cập đến việc tiên đoán các mùa vụ sau dựa trên dáng vẻ của trăng. Người ta sẽ rút ra các điềm báo trước tương lai của đất nước dựa trên hình dáng và màu sắc của trăng đểm rằm, thí dụ như sẽ có một vụ mùa bội thu, tằm nhả nhiều tơ, đất nước thái bình và đức hạnh, thế gian vui vẻ, hay vua đam mê tửu sắc, bạo hành, hoặc sắp có nổi loạn hay chiến tranh….
3.2. Trung thu là dịp dạm hỏi, dịp giao duyên của nam nữ
Một ý nghĩa khác cũng được GS. Nguyễn Văn Huyên đề cập là Trung thu từng được xem là “Tết dạm hỏi”. Vào dịp này, nam nữ thanh niên có cơ hội gặp gỡ, hát đối, làm quen và nên duyên.
“Trung thu, Tết của mặt trăng, đồng thời cũng là Tết dạm hỏi, lúc cả nam và nữ đều tìm cách làm vừa ý người khác và tìm thấy trong đám đông người bạn đời tương lai của mình... Họ đứng thành hai phe, một phe nữ, một phe nam, vừa hát đối vừa ngắm trăng... Sau đó là những cuộc dạm hỏi và cưới xin.”
(Hội hè lễ tết của người Việt – Nguyễn Văn Huyên)
3.3. Trung thu là ngày thưởng trà, làm thơ, ngắm trăng
Với tầng lớp nho sĩ, Trung thu là dịp để thể hiện tinh thần nghệ thuật. Họ thưởng trà, ngắm trăng, làm thơ và xem đây như một thú vui tao nhã, nâng tầm Tết Trung thu thành một không gian thưởng thức mang tính thẩm mỹ, tinh tế.

3.4. Trung thu là thời điểm bắt đầu của mùa khai giảng
Với học trò, Trung thu là ngày khởi đầu cho mùa học mới, là dịp gửi gắm ước vọng thi cử đỗ đạt. Các biểu tượng thường thấy trong dịp này như cá chép (vượt vũ môn), cóc vàng ba chân, cây nguyệt quế, ông tiến sĩ, trạng nguyên… thể hiện mong muốn học hành thành tài và được trọng dụng trong xã hội. Nhiều món đồ chơi và vật dụng bày trên mâm cỗ cũng phản ánh kỳ vọng của cha mẹ vào con cái.
3.5. Tết Trung thu là ngày mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ
Dần dần, Tết Trung thu trở thành ngày lễ dành riêng cho thiếu nhi. Các em nhỏ được nhận quà, rước đèn, phá cỗ trong không khí vui tươi, ấm cúng. Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước tổ chức các hoạt động văn nghệ, múa lân, phát quà cho trẻ em vào dịp Trung thu thể hiện sự quan tâm từ gia đình, xã hội đến thế hệ tương lai.

4. Những phong tục truyền thống trong ngày Tết Trung thu
Trải qua thời gian, Tết Trung thu đã hình thành và lưu giữ nhiều phong tục đặc trưng, phản ánh nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt. Mỗi phong tục đều gắn liền với một ý nghĩa riêng, từ rước đèn, bày mâm phá cỗ, múa lân, bánh Trung thu
4.1. Rước đèn
Nhắc đến Tết Trung thu ở Việt Nam thì không thể nào không nhắc đến phong tục rước đèn. Những chiếc đèn với đủ các hình thù từ hình ngôi sao năm cánh, hình hoa, hình gấu được làm từ tre và giấy bóng kính, thường được trẻ nhỏ rước đi thành hàng dài, tay cầm đèn, miệng hát vang những câu ca “Tết Trung thu rước đèn đi chơi…” đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam đặc biệt là những người ở thế hệ các năm 1950, 1960. Đèn lồng của người Việt Nam là sự biểu hiện của ấm no và hạnh phúc gia đình.
4.2. Múa lân
Múa lân là hoạt động sôi động nhất trong ngày Trung thu. Những chú lân với đôi mắt to, miệng cười tươi được các thanh niên hóa thân, nhảy múa theo nhịp trống để mang lại may mắn và năng lượng tích cực.
Nguồn gốc của múa lân bắt nguồn từ tín ngưỡng xua đuổi tà ma, trấn trạch đầu ngõ trong dân gian. Người Việt tin rằng tiếng trống và điệu múa của lân sẽ xua tan điềm dữ, gọi mời bình an cho gia đình. Một số địa phương như Huế, Hội An, TP.HCM còn tổ chức thi múa lân chuyên nghiệp giữa các đội, tạo thành lễ hội quy mô lớn thu hút hàng ngàn người tham dự.

4.3. Bày mâm phá cỗ
Mâm cỗ Trung thu là một phần không thể thiếu trong văn hóa ngày rằm tháng Tám. Mâm cỗ Trung thu sẽ bao gồm những loại quả chủ đạo trong mùa thu và người Việt Nam thường gọi mâm cỗ này là mâm ngũ quả.
Mâm ngũ quả tượng trưng cho: Kim, Mộc, Thủy Hỏa, Thổ, hài hòa với đất trời. Những loại quả thường được sử dụng để bày biện trên mâm ngũ quả bao gồm chuối, bưởi, hồng, lựu, na (mãng cầu).
Mâm ngũ quả có quả xanh mang tính dương, có quả chín mang tính âm thể hiện sự kết hợp âm dương, cân bằng trong vũ trụ. Tuy nhiên theo từng vùng miền khác nhau loại có những hoa quả khác nhau, mùa nào thức nấy, miễn sao cho màu sắc hài hòa, phù hợp.
Ở miền Bắc, mâm ngũ quả thường là chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Nải chuối được đặt ở giữa sau đó đặt các trái còn lại lên trên, có thể thay bưởi bằng quả phật thủ.
Ở miền Trung, mâm ngũ quả Tết Trung thu đơn giản hơn, gồm đu đủ, xoài, mãng cầu, sung, chuối…
Ở miền Nam, mâm ngũ quả được chuẩn bị cầu kỳ, bao gồm các loại quả với ý nghĩa đầy đủ, sung túc, như: đu đủ, mãng cầu, dừa, xoài, sung… Ngoài ra, có những mâm ngũ quả được người dân Việt Nam sáng tạo rất khéo léo. Có những người sẽ tạo hình con nhím từ quả lê, thỏ từ củ khoai môn, hay cá chép từ quả đu đủ… để mâm cỗ thêm sinh động.

Và sau khi cúng bái xong, lúc trăng rằm lên cao và sáng rõ nhất, tất cả mọi người sẽ quây quần và đồng thanh hô “Phá cỗ”. Cách phá cỗ Trung thu đó là người lớn sẽ đem bánh trái và chia đều ra mọi người cùng thưởng thức. Những chiếc bánh nướng, bánh dẻo với hương vị thơm ngon sẽ được cắt ra, chia đều để ai cũng được cảm nhận cái vị của ngày Tết Trung thu.
4.4. Làm bánh Trung thu
Khi bạn đi ngoài đường phố gần dịp Trung thu, bạn sẽ thấy có rất nhiều sạp hàng được dựng nên để bán bánh Trung thu. Bánh Trung thu là loại bánh rất đặc trưng của Tết Trung thu Việt Nam và thường là món quà mà người Việt Nam tặng cho nhau vào dịp Trung thu.
Hai loại bánh đặc trưng của Trung thu Việt Nam là bánh nướng và bánh dẻo. Bánh nướng sẽ có màu nâu. Bánh nướng thể hiện sự bền chặt, vĩnh cửu dù qua bao khó khăn trong cuộc sống thì những người thân trong gia đình vẫn luôn ở bên cạnh che chở, bao bọc cho nhau. Ngoài ra nhân bánh còn có nhiều vị mặn, ngọt thể hiện sự ấm áp đầy đủ yêu thương của gia đình.
Bánh dẻo sẽ có màu trắng biểu tượng cho sự thủy chung, khăng khít của vợ chồng, bánh có vị rất ngọt. Mọi người sẽ thường thưởng thức trà cùng hai loại bánh này.
5. Những điều thú vị về Tết Trung thu ở Việt Nam
Tết Trung thu hiện tại ở Việt Nam có rất nhiều điều vừa thú vị, vừa gần gũi mang nét đặc trưng trong văn hóa Việt Nam.
5.1. Đa dạng kiểu lồng đèn từ dân gian đến hiện đại
Một trong những điều làm nên nét đặc biệt của Trung thu Việt Nam là sự phong phú về kiểu dáng, chất liệu và ý tưởng của lồng đèn. Ngoài lồng đèn ông sao truyền thống với khung tre, giấy bóng kính và dây treo, các vùng khác nhau còn sáng tạo nên hàng chục kiểu đèn độc đáo như: đèn cá chép (Hải Phòng), đèn kéo quân (Nam Định), đèn lồng Hội An, đèn lồng hoa sen (Huế)...
Ở các trường học ở Việt Nam, các thầy cô còn tổ chức cho các em học sinh các cuộc thi làm lồng đèn. Nguyên liệu cần chuẩn bị để làm lồng đèn có thể là giấy màu, bìa, tre, giấy bóng kính, hay thậm chí là từ các vỏ chai nhựa tái chế. Các em học sinh cũng rất thích các hoạt động làm lồng đèn Trung thu.
5.2. Tết Trung thu hiện diện trong những bài thơ, câu văn, bài hát
Từ lâu, Tết Trung thu đã xuất hiện trong những bài thơ, những bức thư, những bài hát dành cho thiếu nhi với những câu từ rất giản dị
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư Trung thu gửi các cháu thiếu nhi năm 1951 đã gửi chúc mừng Tết Trung thu cho các em thiếu nhi
“Trung thu trăng sáng như gương,
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng.”
Nhà thơ Phạm Hổ cũng đã viết bài thơ Trăng Tròn trong dịp Tết Trung thu:
Trăng tròn như quả bóng
Soi tỏ sân nhà em
Em múa cùng chị Hằng
Đèn lồng cầm trong tay.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đã viết về hình ảnh đèn lồng trong Tết Trung thu:
Trung thu về với xóm làng
Đèn lồng tỏa sáng, đêm trăng tròn đầy
Bé vui đùa khắp sân nhà
Cùng nhau chia sẻ niềm vui Trung thu.
Cũng có nhiều bài hát về Tết Trung thu đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ của người Việt.
"... Tùng dinh dinh tùng tùng dinh dinh
Đây ánh sao vui chiếu xa non ngàn
Tùng dinh dinh dinh dinh tùng dinh dinh
Ánh sao Bác Hồ tỏa sáng nơi nơi..."
Trích Cây đèn ông sao - Phạm Tuyên -
“Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường,...”
Trích “Rước đèn tháng tám” - Đức Quỳnh
“Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già ôm một mối mơ,...”
Trích Thằng cuội - Lê Thương

5.3. Sự sáng tạo của các loại bánh Trung thu
Bánh Trung thu truyền thống của Việt Nam là bánh dẻo, bánh nướng. Nhân của hai loại bánh này thường mà nhân thập cẩm có các loại nguyên liệu như lạc, vừng, xá xíu, hạt sen, lạp xưởng, lá chanh, mỡ khổ, mứt bí, đường, nước hoa bưởi. Nhưng bánh Trung thu ngày này ngoài những loại nhân truyền thống đó còn có các loại nhân khác như nhân dừa, nhân matcha, nhân đậu xanh, nhân khoai môn đa dạng tùy theo khẩu vị của từng người.
Tết Trung thu là một nét văn hóa truyền thống rất đặc sắc của người dân Việt Nam. Dù trải qua bao thế hệ, Trung thu vẫn luôn là biểu tượng của sự đoàn viên, ấm áp và yêu thương trong lòng người Việt.