Khi nhắc đến Lễ Thất Tịch, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc đi chùa cầu duyên hay thưởng thức bát chè đậu đỏ ngọt ngào. Đặc biệt là với các bạn trẻ, đây được xem là dịp để các bạn gửi gắm mong muốn trong chuyện tình cảm. Nhưng vì sao những hoạt động này lại gắn liền với ngày Thất Tịch? Câu trả lời nằm ở nguồn gốc và ý nghĩa đặc biệt của ngày lễ này.
- 1. Thất Tịch là ngày gì? Thất Tịch là ngày nào?
- Thất Tịch là ngày gì?
- Thất Tịch là ngày nào?
- 2. Nguồn gốc về ngày Lễ Thất Tịch
- 3. Ý nghĩa ngày Lễ Thất Tịch trong văn hóa các nước Châu Á
- 4. Những hoạt động thú vị trong ngày Thất Tịch
- 4.1. Ăn chè đậu đỏ cầu duyên
- 4.2. Hẹn hò, tặng quà cho người yêu
- 4.3. Đi chùa cầu duyên
- 5. Những điều kiêng kỵ trong ngày Thất Tịch
- 5.1. Nói lời tiêu cực về tình cảm
- 5.2. Cãi vã, giận dỗi người yêu
- 5.3. Tổ chức đám cưới
- 5.4. Xây nhà
- 6. Các hoạt động truyền thông mà doanh nghiệp hay làm trong Ngày Lễ Thất Tịch
- 6.1. Tặng quà tặng kèm khi mua sản phẩm
- 6.2. Bán hàng trên nền tảng livestream
- 6.3. Mã giảm giá, mã khuyến mãi
- 6.4. Minigame
1. Thất Tịch là ngày gì? Thất Tịch là ngày nào?
Đối với những người đang kinh doanh, Lễ Thất Tịch là dịp để các doanh nghiệp truyền thông rất hiệu quả vì khách hàng mục tiêu của ngày lễ này là các bạn trẻ, thường xuyên sử dụng mạng xã hội và rất nhanh nhạy với các xu hướng trên mạng.
Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ ngày Thất Tịch là ngày gì, diễn ra chính xác trong năm là khi nào thì rất khó để tiếp cận đến khách hàng mục tiêu của mình. Chính vì vậy, các doanh nghiệp hãy nắm chắc những thông tin cơ bản của ngày lễ này.
Thất Tịch là ngày gì?
Thất Tịch là một ngày lễ có nguồn gốc từ văn hóa Trung Quốc, gắn liền với câu chuyện tình giữa Ngưu Lang và Chức Nữ. Ở Trung Quốc vào dịp này, các cô gái trẻ thường cầu mong gặp được người phù hợp và có một tình yêu bền lâu. Đây cũng là ngày để con người bày tỏ sự trân trọng với thiên nhiên và tôn vinh hình ảnh người phụ nữ khéo léo, đảm đang. Trong văn hóa phương Đông, Thất Tịch còn được xem như ngày lễ tình nhân.

Tại Việt Nam, dù không được công nhận là ngày lễ chính thức trong năm, nhưng Thất Tịch vẫn được nhiều bạn trẻ đón nhận như một biểu tượng cho sự gắn kết đôi lứa và mong cầu nhân duyên. Đặc biệt trong vài năm gần đây, với sự phát triển của mạng xã hội, giới trẻ thường đón nhận ngày lễ này bằng cách ăn chè đậu đỏ và đi chùa cầu tình duyên.
Thất Tịch là ngày nào? Rơi vào thứ mấy?
Lễ Thất Tịch diễn ra vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch hàng năm. Tính theo Dương lịch, ngày này thường rơi vào khoảng tháng 8. Cụ thể trong năm 2025, Lễ Thất Tịch sẽ rơi vào Chủ Nhật, ngày 31 tháng 8.
Việc xác định ngày Thất Tịch khá quan trọng nếu bạn là người đang lên kế hoạch truyền thông cho chiến dịch Marketing nhân dịp này.
2. Nguồn gốc về ngày Lễ Thất Tịch
Ngày Lễ Thất Tịch bắt nguồn từ Trung Quốc và gắn liền với câu chuyện tình yêu của Ngưu Lang và Chúc Nữ.
Ngưu Lang vốn là thần chăn trâu của Ngọc Hoàng ở trên Thiên đình, giỏi thổi sáo và chăm sóc đàn trâu của Ngọc Hoàng. Chức Nữ là tiên nữ dệt vải, cần mẫn và tài hoa. Trong một lần tình cờ, họ gặp nhau và đem lòng yêu thương.
Sau lần gặp nhau đó, họ đem lòng cảm mến nhau. Ngưu Lang vì say mê Chúc Nữ đã để trâu đi lạc vào cung điện của Ngọc Hoàng, còn Chức Nữ vì yêu tiếng sáo của Ngưu Lang thì lơ là công việc dệt vải . Ngọc Hoàng khi biết chuyện thì đã nổi giận, dùng dòng sông Ngân Hà để ngăn cách đôi tình nhân, mỗi người ở một bên bờ, không thể gặp lại.
Nhưng sau thời gian họ không được gặp nhau, thấy hai người vẫn một lòng chung thủy, Ngọc Hoàng cảm động, cho phép họ được gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày Thất Tịch 7/7 âm lịch. Vào ngày này, một đàn quạ sẽ bay tới, xếp thành cây cầu Ô Thước bắc qua sông Ngân Hà để họ được đoàn tụ.
Vào ngày tiễn biệt, Ngưu Lang và Chức Nữ nhớ nhung khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần gian hóa thành cơn mưa và được gọi là mưa ngâu. Vì vậy mà hai người cũng được người dân gọi là Ông Ngâu Bà Ngâu. Đây cũng chính là lý giải cho việc vào ngày 7/7 âm lịch hằng năm thường có mưa.

Lễ Thất Tịch trong quá khứ
Lễ Thất Tịch không phải là một ngày lễ lớn trong đời sống người Việt, nên cũng không có nhiều tài liệu ghi lại chi tiết các phong tục liên quan. Tuy nhiên, theo một số ghi chép, trước năm 1860, ngày này còn được gọi là Tết Tiểu Xảo hoặc lễ Thù Du.
Một trong những tư liệu thể hiện rõ nét về Thất Tịch ở nước ta xuất hiện trong sách thơ chữ Hán “Giá Viên thi tập” của Phạm Phú Thứ (triều Nguyễn). Theo đó, ngày lễ này từng xuất hiện cả trong dân gian lẫn trong cung đình.
Ở ngoài dân gian, Tết Tiểu Xảo gắn liền với các công việc nữ công gia chánh. Vào đêm Thất Tịch, người ta thường bày bánh trái dưới ánh trăng, vì tin rằng chòm sao Chức Nữ sáng nhất trong ngày này. Họ cầu mong con gái trong nhà được khéo léo, giỏi nữ công và có một cuộc sống hôn nhân thuận hòa.
Trong cung đình, nhà vua tổ chức lễ yến Thù Du. “Thù du” là tên một loại cây và ban bánh trái cho các quan viên cùng hậu cung.
Về sau, khi Trung Quốc tổ chức ngày Thất Tịch thành lễ hội quy mô lớn, nhiều người bắt đầu cho rằng truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ hay hình ảnh Ông Ngâu – Bà Ngâu có xuất xứ từ văn hóa Trung Quốc. Trong xã hội truyền thống, chuyện hôn nhân thường do cha mẹ sắp đặt, con cái không có quyền tự quyết hay cầu nguyện về nhân duyên. Vì thế, việc hẹn hò hay tổ chức cưới hỏi vào tháng 7 âm lịch xưa kia cũng không phổ biến.
3. Ý nghĩa ngày Lễ Thất Tịch trong văn hóa các nước Châu Á
Từ truyền thuyết ấy, ngày 7/7 hằng năm tức Ngày Thất Tịch đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của các nước Châu Á từ Trung Quốc tới Nhật Bản, Hàn Quốc, rồi tới Việt Nam
Tại Trung Quốc, đây là ngày lễ truyền thống để các thiếu nữ cầu mong gặp được người mình yêu thương, có một tình yêu và cuộc hôn nhân hạnh phúc. Người dân tin rằng nếu các cặp đôi cùng ngắm sao Ngưu Lang – Chức Nữ trong đêm Thất Tịch, họ sẽ được ở bên nhau mãi mãi. Bên cạnh đó, người độc thân cũng thường ăn chè đậu đỏ trong ngày này để cầu may trong chuyện tình cảm. Ngày lễ còn thể hiện sự tôn kính với thiên nhiên và người phụ nữ khéo léo, giỏi giang.

Tại Hàn Quốc, Người Hàn gọi Thất Tịch là Chilseok. Theo truyền thống, người dân sẽ đi tắm để cầu sức khỏe và tránh bệnh tật. Họ cũng làm các món ăn từ lúa mì như bánh kếp, bánh hấp, bánh mì nướng... trong ngày lễ này.

Còn tại Nhật Bản, Lễ Thất Tịch được biết đến với tên gọi Tanabata, du nhập từ thế kỷ thứ 8 và trở nên phổ biến từ thời Edo. Vào ngày 7/7, người dân sẽ xếp giấy thành hình để trang trí hoặc để tặng nhau để chúc may mắn, tốt lành. Họ cũng viết điều ước lên những mảnh giấy nhiều màu (gọi là Tanzaku), sau đó treo lên cành trúc trước cửa nhà để cầu mong điều lành, vụ mùa tốt và sự thịnh vượng. Những người trẻ thì thường gửi gắm mong muốn sớm tìm thấy một nửa phù hợp.

Tại Việt Nam, Lễ Thất Tịch đã xuất hiện từ rất lâu đời. Tháng 7 âm lịch thường là thời điểm có nhiều mưa, nhất là ở miền Bắc. Dân gian quan niệm rằng đó là những giọt lệ chia ly của vợ chồng Ngâu, nên ngày này còn được gọi là ngày Ông Ngâu – Bà Ngâu.
Ngày Lễ Thất Tịch cũng có ở Việt Nam chúng ta từ rất lâu. Vào dịp này, các cặp đôi thường đến chùa cầu nguyện cho tình duyên bền chặt, hạnh phúc và lâu dài. Người độc thân cũng chọn cách đi lễ, mong sớm gặp được người phù hợp. Ngoài việc cầu duyên, nhiều người còn hướng đến việc cầu sức khỏe, bình an và tài lộc cho gia đình.
Khoảng hai năm trở lại đây, giới trẻ bắt đầu lan truyền một trào lưu mới là ăn đậu đỏ trong ngày Thất Tịch để cầu nhân duyên. Tuy nhiên, có một sự khác biệt là loại đậu đỏ được nhắc đến trong văn hóa Trung Quốc là hồng đậu có hình trái tim, màu đỏ rực và rất cứng, thường dùng làm vòng tay hoặc đồ trang sức tượng trưng cho tình yêu. Trong khi đó, đậu đỏ ở Việt Nam lại là nguyên liệu nấu ăn phổ biến. Đây là một điều khá thú vị trong Ngày Lễ Thất Tịch ở Việt Nam.
Cho đến nay, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy ăn chè đậu đỏ có thể giúp tình duyên suôn sẻ hay sớm gặp được “nửa kia”. Tuy vậy, việc ăn chè đậu đỏ vào ngày lễ này nhận được rất nhiều bạn trẻ yêu thích.
4. Những hoạt động thú vị trong ngày Thất Tịch
Ngày Lễ Thất Tịch không phải là một ngày lễ lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, thông qua sự lan truyền thông tin trên mạng xã hội, ngày lễ này ở Việt Nam này lại trở thành một ngày rất đặc biệt của giới trẻ. Có rất nhiều hoạt động thú vị ở Việt Nam liên quan đến ngày này.
4.1. Ăn chè đậu đỏ cầu duyên
Có một sự thật thú vị là trào lưu ăn đậu đỏ này không phải là là một nét truyền thống trong Văn hóa Việt Nam mà là một sự nhầm lẫn thông tin đến từ một kênh truyền thông trên Mạng xã hội rất nổi tiếng ở Việt Nam đã nhầm hạt đậu đỏ ở Trung Quốc.
Trong văn hóa Trung Quốc, loại hồng đậu này mang nghĩa đậu tương tư. Hồng đậu có màu đỏ tươi, vỏ ngoài cứng, hình dáng giống hình trái tim. Hồng đậu cất giữ trong thời gian dài mà không bị phai màu hoặc mối mọt. Nhưng kênh truyền thông này đã nhầm loại hạt này hạt đậu đỏ, một loại hạt rất dinh dưỡng của Việt Nam và lan truyền rằng, nếu ăn chè đậu đỏ vào Ngày Thất Tịch thì sẽ có người yêu.
Mặc dù có rất nhiều bạn trẻ đã biết được sự thật nhưng nhiều bạn vẫn bày tỏ trên mạng xã hội về trào lưu này là “ăn chè đậu đỏ vì nghe nói ăn vào 7/7 âm sẽ ngon hơn bình thường” hay “Ăn rồi thì vẫn chưa có người yêu thôi.”

4.2. Hẹn hò, tặng quà cho người yêu
Có rất nhiều bạn trẻ đã bày tỏ rằng ngoài ngày lễ tình nhân thì ngày Lễ Thất Tịch cũng là dịp để các bạn bày tỏ tình cảm, đi hẹn hò và tặng quà cho người mình yêu. Vào ngày này, nếu các bạn đi qua những địa điểm hẹn hò như các quán cà phê, Hồ Tây, Hồ Gươm thì các bạn sẽ thấy rất nhiều hình ảnh các cặp đôi nắm tay và đi dạo cùng nhau.

4.3. Đi chùa cầu duyên
Đi chùa cầu duyên cũng là một trong các hoạt động mà giới trẻ hay làm ở trong ngày Lễ Thất Tịch. Vào ngày này thì các cặp đôi thường hay đến chùa để cầu bình an, cầu cho tình yêu thêm bền chặt, gắn bó. Thậm chí, các bạn trẻ còn đang độc thân cũng sẽ đến chùa để cầu tình duyên, mong rằng có thể tìm được nửa kia phù hợp với mình.

5. Những điều kiêng kỵ trong ngày Thất Tịch
Vào ngày Lễ Thất tịch thì ngoài những hoạt động thú vị như ăn chè đậu đỏ, hẹn hò hay đi chùa cầu tình duyên thì cũng có những điều được coi là cấm kỵ trong ngày lễ này.
5.1. Nói lời tiêu cực
Trong cuộc sống, bất kể là ai đi chăng nữa thì chúng ta nên nói những điều tích cực đối với nhau và kể cả đối với bản thân mình. Những lời nói tiêu cực như “tôi kém cỏi quá không ai yêu mình” hay “tình yêu chỉ là ảo tưởng”… có thể vô tình tạo ra năng lượng tiêu cực cho bạn. Vậy nên không chỉ riêng ngày lễ này, bạn cũng hãy học cách nói lời yêu thương với chính bản thân mình và với cả những người xung quanh mỗi ngày để cuộc sống này trở nên có ý nghĩa hơn.
Theo TS Andrew Newberg và Mark Robert Waldmen, tác giả của cuốn sách thay đổi cuộc sống “Ngôn từ có thể thay đổi não bộ của bạn” viết rằng: một từ đơn giản có khả năng ảnh hưởng tới biểu hiện của các gen điều tiết căng thẳng thể chất và tinh thần”. Nhờ sử dụng nhiều từ ngữ tích cực hơn trong cuộc sống hàng ngày, khu vực thùy trán được luyện tập, khiến nó hoạt động hiệu quả hơn.
5.2. Cãi vã, giận dỗi người yêu
Nếu giữa hai và người yêu xảy ra mâu thuẫn, việc cãi vã hay giận dỗi không phải là cách giải quyết hiệu quả. Ngược lại, điều đó dễ khiến mọi chuyện trở nên căng thẳng hơn, khiến mối quan hệ của bạn không thể hạnh phúc và ảnh hưởng tới nhau. Một mối quan hệ bền vững cần được xây dựng trên sự thấu hiểu và bình tĩnh lắng nghe, nhất là khi xảy ra bất đồng, tranh cãi.
Vì vậy, khi giữa hai người có tranh cãi xảy ra, bạn hãy là người hạ mình xuống trước và lắng nghe đối phương để cả hai có sự thấu hiểu và cùng nhau giải quyết vấn đề.

5.3. Tổ chức đám cưới
Ngày Thất Tịch là thời điểm Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp lại nhau sau một năm xa cách. Tuy nhiên, cuộc đoàn tụ ấy diễn ra ngắn ngủi rồi họ lại phải chia xa, sống trong chờ đợi và nhung nhớ. Vì lý do này, nhiều người quan niệm rằng ngày Thất Tịch không mang lại may mắn và thường tránh tổ chức cưới hỏi hay bàn chuyện hôn nhân vào dịp này.
5.4. Xây nhà
Quan niệm kiêng xây nhà vào ngày Thất Tịch xuất phát từ nhiều yếu tố. Ngày 7/7 âm lịch thường có mưa ngâu, dễ ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Thêm vào đó, tháng 7 còn được xem là tháng “cô hồn” thời điểm mà theo dân gian, ma quỷ thường lên trần gian quấy phá. Vì vậy, nhiều người thường tránh thực hiện những việc lớn như động thổ hay xây dựng nhà cửa trong thời gian này.
6. Các hoạt động truyền thông mà doanh nghiệp hay làm trong Ngày Lễ Thất Tịch
Hiện nay, mạng xã hội luôn là một kênh rất tiềm năng để doanh nghiệp thực hiện chiến dịch Marketing. Bạn sẽ thấy hầu hết các doanh nghiệp đều có một kênh giao tiếp trên nền tảng mạng xã hội để kết nối với khách hàng. Ngày Lễ Thất Tịch là một dịp rất phù hợp để các doanh nghiệp lên kế hoạch cho các chiến dịch truyền thông Marketing trên mạng xã hội bởi vì đối tượng khách hàng của ngày này rất nhanh nhạy với mạng xã hội đó là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi. Vậy, các doanh nghiệp thường sẽ truyền thông cho dịp này như thế nào?
6.1. Tặng quà tặng kèm khi mua sản phẩm
Vào ngày này, có nhưng doanh nghiệp đã triển khai chương trình khuyến mãi tặng quà cho nửa kia của khách hàng khi khách hàng đó mua sản phẩm của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thường sẽ tặng kèm những món quà như hoa, túi xách, sticker kèm theo tấm thiệp nhỏ để khách hàng viết lời chúc để dành tặng nửa kia của mình.
Shop thời trang online ideverray trên tiktok đã triển khai chương trình quà tặng đặc biệt khi khách hàng mua áo của thương hiệu này là một hộp quà áo hoa hồng kèm theo một thiệp hoa để viết lời chúc dành tặng nửa kia của mình.

6.2. Bán hàng trên nền tảng livestream
Livestream là một hình thức xúc tiến khá phổ biến hiện nay. Vào ngày Thất Tịch, có nhiều doanh nghiệp online đã triển khai bán hàng trên livestream để thúc đẩy hành động mua hàng của khách hàng. Những shop online thường chọn ngày này để làm một phiên livestream bán hàng là những doanh nghiệp bán online thời trang, giày dép, mỹ phẩm, những món đồ quen thuộc mà khách hàng thường hay dành tặng cho người yêu.
6.3. Mã giảm giá, mã khuyến mãi
Mã giảm giá, khuyến mãi cho sản phẩm thường là hình thức các doanh nghiệp áp dụng trong những ngày lễ đặc biệt. Hình thức này là hình thức phổ biến để doanh nghiệp thu hút khách hàng, thúc đẩy khách hàng mua hàng cho doanh nghiệp.
Vào năm 2024, Highland Coffee đã đưa ra ưu đãi nhân ngày Thất Tịch là thưởng thức trà đậu đỏ đồng giá 8K khi mua 1 Trà bất kỳ (L) chỉ diễn ra duy nhất trên GrabFood. Deal giảm giá này sẽ tự động tắt khi hết số lượng.

6.4. Minigame
Nếu doanh nghiệp đặt mục tiêu cho chiến dịch là thu hút khách hàng một cách tự nhiên và hấp dẫn thì các doanh nghiệp có thể triển khai hình thức minigame. Các minigame diễn ra trên nền tảng mạng xã hội sẽ bao gồm các game như bình luận số bất kỳ và trúng thường, đăng kêu gọi khách hàng đăng video chia sẻ câu chuyện của mình hay sử dụng sản phẩm kèm theo hashtag và tặng quà cho video có lượt tương tác cao nhất. Đây cũng là hình thức mà rất nhiều các doanh nghiệp đã áp dụng trong Ngày Lễ Thất tịch.
Vào năm 2023, doanh nghiệp 9Pay đã triển khai minigame là “Thất tịch mưa ngâu - Săn tìm đậu đỏ” với thể lệ tham gia là Like fanpage và share bài viết này ở chế độ Công khai, Comment đáp án là ảnh chụp màn hình chè đậu đỏ trong video clip, kèm con số may mắn từ 001-888 và tag tên 3 người bạn + Hashtag

Dù bắt nguồn từ một truyền thuyết xa xưa, Lễ Thất Tịch vẫn là một trong những nét văn hóa rất đặc biệt của người dân Châu Á. Vừa là ngày lễ cầu duyên, vừa là ngày giúp gắn kết các cặp đôi, giúp mối quan hệ của họ thêm gắn kết và thấu hiểu nhau hơn.