Trong các doanh nghiệp, vấn đề tiền lương và tính tiền lương thưởng luôn được chủ doanh nghiệp và người lao động đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, tùy vào các chế độ quản lý doanh nghiệp hay sự khác nhau về hình thức thuê lao động mà ở các cơ sở sẽ có cách tính lương thưởng khác nhau cho nhân viên của mình. Dưới đây là những cách tính tiền lương phổ biến và dễ quản lý nhất mà Nhanh.vn muốn chia sẻ đến các bạn thông qua bài viết này.
Các nội dung chính [hide]
1. Nguyên tắc tính tiền lương trong doanh nghiệp
Tiền lương được trả cho nhân viên tại các doanh nghiệp được xây dựng dựa trên các nguyên tắc sau:
- Mức lương được hình thành trên cơ sở thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.
- Mức lương trong hợp đồng lao động phải lớn hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
- Người lao động được hưởng lương theo năng suất lao động, chất lượng lao động và kết quả lao động.
- Trong việc tính và trả lương phải tuân thủ các nguyên tắc đã ghi ở điều 8 của Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1995 của Chính phủ, cụ thể:
+ Làm công việc gì, chức vụ gì hưởng lương theo công việc đó, chức vụ đó, dù ở độ tuổi nào, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo mà là hoàn thành tốt công việc được giao thì sẽ được hưởng lương tương xứng với công việc đó. Đây là điều kiện đảm bảo cho sự phân phối theo lao động, đảm bảo sự công bằng xã hội.
+ Đảm bảo tốc độ tăng năng suất lao động phải tăng nhanh hơn tốc độ của tiền lương bình quân. Đây là nguyên tắc quan trọng trong việc tiến hành sản xuất kinh doanh, bởi tăng năng suất lao động là cơ sở cho việc tăng lương, tăng lợi nhuận là thực hiện triệt để nguyên tắc trên.
Tiền lương hình thành trên sự thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động
2. Các công thức tính lương cơ bản
Cách tính lương này được dựa trên thời gian làm việc, cấp bậc công việc và bậc lương của người lao động. Đây là cách tính lương phổ biến nhất hiện nay, bao gồm các yếu tố:
2.1 Cách tính lương theo thời gian
- Lương cơ bản:
Đây là lương được thỏa thuận giữa chủ doanh nghiệp với nhân viên, là cơ sở để tính bảo hiểm, các khoản trích, và tiền lương thực lĩnh của người lao động. Lương cơ bản không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của chính phủ tại thời điểm giao kết hợp đồng. Đặc biệt đối với lao động đã qua học nghề thì phải được cộng thêm 7% lương tối thiểu.
Kể từ ngày 25/01/2018, mức lương tối thiểu vùng 1 là 3.980.000 theo Nghị định 141/2017. Như vậy nếu đang làm việc tại vùng 1, đã qua đào tạo từ cấp nghề trở lên (đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng...) thì mức lương thấp nhất mà người lao động (NLĐ) được nhận là: 3.750.000 * 7% = 4.258.600.
Tương tự, mức lương tối thiểu vùng 2 đã tăng lên 3.530.000 đồng, vùng 3 là 3.090.000 đồng và vùng 4 là 2.760.000 đồng/tháng.
- Phụ cấp:
Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, hoặc phụ cấp gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Một số loại phụ cấp thường gặp là: Phụ cấp chức vụ, chức danh; Phụ cấp trách nhiệm; Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Phụ cấp thâm niên; Phụ cấp khu vực; Phụ cấp lưu động; Phụ cấp thu hút;...Các loại phụ cấp nếu có, sẽ được quy định rõ trong hợp đồng lao động hoặc trong quy chế lương thưởng của công ty.
- Ngày công thực tế
Đây số ngày NLĐ đi làm trong tháng, thường được thống kê dựa trên bảng chấm công. Từ các thông số trên, doanh nghiệp có 2 cách tính lương cho người lao động:
+ Cách 1: Khi doanh nghiệp không quy định ngày công chuẩn
Công thức tính: “Lương tháng” = “Lương cơ bản”+ “Phụ cấp (nếu có)” / “ngày công chuẩn của tháng” x “số ngày làm việc thực tế”
Ngày công chuẩn là ngày làm việc trong tháng, không bao gồm các ngày nghỉ ví dụ như nghỉ chủ nhật, nghỉ lễ. Tháng 30 và 31 ngày có tối đa 26 ngày công chuẩn. Tháng 28 ngày thì ngày công chuẩn có thể chênh lệch một chút.
Ví dụ tháng 3/2021 có 31 ngày, 4 ngày chủ nhật. Nhân viên A được trả lương 5 triệu đồng/ tháng (đã bao gồm cả phụ cấp).
Nếu A nghỉ một ngày, số ngày đi làm thực tế của A là 26, bằng số ngày công chuẩn của tháng. A vẫn nhận lương đầy đủ: Lương tháng = (5.000.000/26)*26.
Nếu A không nghỉ mà vẫn đi làm đầy đủ, tiền lương ngày thứ 27 được tính bằng Lương ghi trên hợp đồng/26. (5.000.000/26)
+ Cách 2: Doanh nghiệp quy định ngày công chuẩn
Doanh nghiệp tự quy định là 24 hoặc 26 ngày. Ví dụ công ty của A quy định ngày công chuẩn là 26:
Công thức tính: “Lương tháng” = “Lương” + “Phụ cấp (nếu có)” / “26” x “ngày công thực tế làm việc”
Tháng 3/2021, có 31 ngày, 4 ngày chủ nhật. A đi làm đầy đủ và được hưởng: Lương tháng = 5.000.000/26*27
Nếu A nghỉ phép 1 ngày vào tháng này thì A vẫn được nhận đủ số lương theo hợp đồng lao động (do vẫn đủ 26 ngày công).
Tháng 02/2021, có 28 ngày, 4 ngày chủ nhật. A đi làm đầy đủ 24 ngày. Lương tháng = 5.000.000/26*24
Tính lương theo thời gian gồm lương cơ bản, phụ cấp và ngày công thực tế
2.2 Cách tính lương theo sản phẩm
Đây là hình thức thức trả lương dựa trên chất lượng và số lượng sản phẩm hoặc phần trăm công việc mà người lao động đã hoàn thành. Do gắn chặt năng suất lao động với thù lao lao động, hình thức này thường được áp dụng khi cần khuyến khích năng năng suất, tăng số lượng sản phẩm.
Công thức tính lương theo sản phẩm khá đơn giản: Lương sản phẩm = Đơn giá sản phẩm * Số lượng sản phẩm
2.3 Cách trả lương khoán
Đây là hình thức trả lương khi người lao động hoàn thành được đúng khối lượng công việc theo thỏa thuận giữa hai bên.
Công thức tính: Lương = Mức lương khoán * Tỷ lệ % hoàn thành công việc
Thông thường, lương khoán được áp dụng cho những công việc mang tính chất thời vụ.
2.4 Cách tính lương theo doanh thu
Đây là hình thức trả lương dựa trên doanh số đạt được của nhóm hoặc cá nhân. Phương thức này thường được áp dụng phổ biến với nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh.
Việc trả lương theo doanh thu sẽ gắn chặt giữa mức lương người lao động nhận được với doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp với mức tỉ lệ thuận: doanh nghiệp có lãi càng cao thì nhân viên có mức lương càng lớn.
Ví dụ: Doanh nghiệp A chuyên bán đồ nội thất và trả lương cho nhân viên bán hàng như sau:
Lương cứng 3.000.000đ/tháng + 1% doanh số. Trong tháng 3/2021 công ty thu về 100.000.000đ lợi nhuận từ tiền bán đồ nội thất. Vậy:
=>Lương = 3.000.000 + 1% x 100.000.000 = 4.000.000đ/tháng
Doanh nghiệp có thể khuyến khích nhân viên làm việc bằng cách thưởng khi doanh số đạt được mức nào đó. Ở đây ngoài 1% cho 100 triệu doanh thu thì có thể có thêm chế độ 2% nếu đạt 300 triệu doanh thu để kích thích nhiệt huyết trong công việc của các nhân viên.
Tính lương theo doanh thu dựa trên doanh số đạt được của nhóm hoặc cá nhân
2.5 Cách tính lương làm thêm giờ
Điều 97 Bộ luật Lao động 2012 về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm có quy định:
Người lao động làm thêm giờ vào ngày thường được hưởng ít nhất 150% so với đơn giá tiền lương đang được hưởng. Nếu làm thêm vào ngày nghỉ hàng tuần - ít nhất bằng 200%. Nếu làm việc trong ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương.
Người lao động làm việc vào ban đêm được trả thêm ít nhất bằng 30% đơn giá tiền lương được hưởng. Nếu làm thêm giờ vào ban đêm thì được hưởng thêm 20%. Như vậy nếu làm vào ngày thường, thì người sẽ được trả ít nhất là: 150% lương của ngày làm việc bình thường + 30% lương của ngày làm việc bình thường + 20% lương của ngày làm việc bình thường = 200% lương của ngày làm việc bình thường;
Làm thêm vào ban đêm của ngày nghỉ hàng tuần, người lao động được hưởng ít nhất: 200% lương của ngày làm việc bình thường + 30% lương của ngày làm việc bình thường + 20% x 200% lương của ngày làm việc bình thường = 270% lương của ngày làm việc bình thường.
Xem thêm: Tiêu chí tuyển dụng, đào tạo nhân viên bán hàng chuyên nghiệp
3. Các lưu ý khi tính lương cho nhân viên
Cần phân biệt giữa giữa doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu là tổng số tiền thu về, còn lợi nhuận là là khoản tiền sau khi đã trừ các loại chi phí bỏ ra. Tỷ lệ ăn chia hoa hồng kinh doanh sẽ là theo lợi nhuận thu về chứ không phải tổng doanh thu có được. Tỷ lệ chia doanh số cũng là con số được tính toán và đưa ra từ người sử dụng lao động chứ không có một quy ước tính toán chung nào cả.
Doanh nghiệp được phép tự áp dụng các cách tính lương trong doanh nghiệp mình một cách phù hợp nhất với nhân viên. Với lương tháng sẽ phải trả 1 tháng 1 lần (không chậm quá 1 tháng). Nếu hưởng lương theo giờ, theo ngày, theo tuần thì sau giờ, ngày, tuần làm việc sẽ phải trả ngay hoặc trả lương gộp nhưng không quá 15 ngày gộp. Trường hợp nếu không thể trả lương đúng thời hạn thì không được trả chậm quá 1 tháng. Và người sử dụng lao động (doanh nghiệp) phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền. Ít nhất là bằng với lãi suất tiền gửi Ngân hàng Nhà nước VN công bố tại thời điểm trả lương. Với lương khoán thì được phép ứng lương theo khối lượng sản phẩm hoàn thành khi khối lượng công việc lớn, kéo dài...
Lưu ý khi tính lương cho nhân viên
Trên đây là các cách tính lương trong doanh nghiệp phổ biến và hiệu quả nhất, kèm với đó là các lưu ý cơ bản mà doanh nghiệp cần phải biết khi trả lương cho nhân viên, hy vọng với những chia sẻ này sẽ giúp cho việc quản lý doanh nghiệp của bạn trở nên dễ dàng hơn. Chúc các bạn thành công!